Loạt công ty nhận vốn góp ACV lỗ nặng hơn 2.100 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những điểm hạn chế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong chi ngân sách nhà nước và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Theo đó, trong việc chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án của ACV chưa đầy đủ cơ sở tính toán.

Cụ thể, tại dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, Kiểm toán Nhà nước kết luận Báo cáo thẩm định dự án này của ACV chưa có ý kiến thẩm định về tổng mức đầu tư, các hạng mục còn lại thuộc Dự án thành phần 3. Tổng mức đầu tư các hạng mục còn lại chưa được ACV rà soát, cập nhật mặt bằng giá và tỷ giá hối đoái theo thời điểm thẩm định, phê duyệt dự án.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán dự án thuộc ACV cũng cho thấy đơn vị này có 3 dự án hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu, chậm quyết toán, 4 dự án chậm tiến độ.

Cũng theo báo cáo kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 129 đơn vị thuộc 11 TĐ, TCT. Kết quả kiểm toán cho thấy 11/11 TĐ, TCT sản xuất kinh doanh có lãi. Trong đó, ACV lãi 7.237,37 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt 17,75%.

Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của ACV còn một số hạn chế. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ ACV quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn lên tới 4.280,08 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, tổng doanh thu của ACV đạt trên 20.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 10.619 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.571 tỷ đồng. Mặc dù báo lãi lớn nhưng ACV cũng đang đối diện với khoản nợ xấu ngày càng “phình to”. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị nợ xấu tại ACV đã lên tới 6.520 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 2 đơn vị thuộc ACV là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt mức bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ, miễn giảm lãi nhưng không ký phụ lục hợp đồng.

Còn Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa một số tài sản.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, ACV trích thừa 76,59 tỷ đồng trong khấu hao tài sản cố định không đúng quy định. Cùng với đó, đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả, trong đó, tháng 12/2020, Cảng hàng không quốc tế Vinh nhận bàn giao từ ACV 2 xe nâng hàng 7 tấn (được đầu tư năm 2008 và 2011, đã hết khấu hao), tại thời điểm quý IV/2022 Cảng báo cáo không có nhu cầu sử dụng trong thời gian qua.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp nhận vốn góp của ACV là 2.125,16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 69,01 tỷ đồng (bằng 61,4% giá trị vốn góp), trong đó, Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh năm 2022 lỗ 530,66 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 731,02 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng năm 2022 lỗ 146,17 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 625,34 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không miền Nam lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 6,60 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại hàng không miền Nam năm 2022 lỗ 4,66 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 12,19 tỷ đồng.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/loat-cong-ty-nhan-von-gop-acv-lo-nang-hon-2100-ty-dong-d111201.html