Loạt chủ đầu tư buộc trả lại cư dân hàng nghìn m2 bị lấn chiếm sau thanh tra
Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng buộc chủ đầu tư các dự án trả lại hơn 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).
Trả lại cư dân hàng nghìn m2 sở hữu chung bị lấn chiếm
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có báo cáo công tác thanh tra 10 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng năm cuối năm 2021.
Liên quan công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số 348,26 tỷ đồng, trong đó:
04 kết luận thanh tra trong công quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền 3,3 tỷ đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 602,5 triệu đồng.
18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, kết luận đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.
Buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).
Qua thanh tra cũng đã tổng hợp, bổ sung mới vào Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu/1 hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng đã trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chỉ thị số 02 ngày 15/9/2021 gửi UBND các tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm chấn chỉnh và quyết liệt giải quyết tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì gây bức xúc tại nhiều dự án chung cư trên toàn quốc.
Hiện nay, Thanh tra Bộ đang triển khai nhiệm vụ tại mục 5 Chỉ thị số 02 xây dựng quy trình hướng dẫn thanh tra quỹ bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, sẽ hoàn thành trong tháng 11/2021 để gửi Thanh tra các Sở triển khai thực hiện.
Loạt “ông lớn” thoát thanh tra?
Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, đơn vị trình Bộ trưởng xem xét điều chỉnh Kế hoạch thanh tra 2021 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến phức tạp của Dịch COVID-19.
Đồng thời, báo cáo Bộ trưởng không triển khai thành lập đoàn mới trong năm và điều chỉnh 9 đoàn còn lại của Kế hoạch 2021.
Cụ thể, chuyển 2 đoàn thanh tra hành chính tại Viện khoa học công nghệ xây dựng và Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam sang kế hoạch thanh tra năm 2022.
Không thực hiện 7 đoàn thanh tra chuyên ngành tại UBND tỉnh Bắc Giang, Ninh Thuận, thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam-CTCP, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark và Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm...
Về kế hoạch thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022. Trong đó, dự kiến thanh tra hành chính (từ 2 đến 3 đoàn).
Đồng thời, thanh tra chuyên ngành (từ 5 đến 8 đoàn) gồm: Công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 2 đến 3 đoàn); Công tác quản lý nhà nước về xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 2 đến 3 tỉnh) trong 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Ngoài ra, thanh tra 2 chuyên đề diện rộng gồm thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố) và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đối tượng thanh tra của 2 nội dung chuyên đề là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.