LOẠT BÀI: Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo: Trên đường băng cất cánh: Kỳ 3: Đối mặt nhiều thách thức

Tiến trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và trên khắp các địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Lãnh đạo Sở TT-TT tham quan các gian hàng về nền tảng, dịch vụ số bên lề hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: HẢI HÀ

Lãnh đạo Sở TT-TT tham quan các gian hàng về nền tảng, dịch vụ số bên lề hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: HẢI HÀ

CĐS là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư về nguồn lực, thời gian và công sức. Để CĐS thành công, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và doanh nghiệp (DN).

* An toàn thông tin là vấn đề quan trọng

Tại Tuần lễ chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG nhấn mạnh, trong tiến trình chuyển đổi số, thách thức lớn nhất là sự nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, nhận thức không phải là điểm đến mà là một hành trình liên tục. Nó là chuyển biến nhận thức về ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Nhận thức đúng về tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ giúp các cấp, các ngành, người dân, DN chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bên cạnh sự phát triển của CĐS, các thách thức an toàn thông tin cũng ngày càng gia tăng. Bảo đảm an toàn thông tin luôn là nhiệm vụ quan trọng, liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững của đời sống xã hội.

Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai nhận định, CĐS mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, CĐS cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó nổi bật là an toàn thông tin. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho quá trình CĐS thành công. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, có thể gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, việc bảo đảm an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức, DN.

Đại diện Công ty TNHH An ninh, an toàn thông tin CMC (có trụ sở chính ở Hà Nội) cho biết, tầm quan trọng của an ninh mạng trong CĐS đó là bảo vệ dữ liệu, bởi dữ liệu là tài sản quan trọng của mọi tổ chức, DN. Các cuộc tấn công có thể dẫn đến việc mất, rò rỉ hoặc thay đổi dữ liệu; gây mất mát, thiệt hại tài chính, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Ngoài ra, còn có vấn đề về bảo vệ hệ thống và mạng, đây là nền tảng cho mọi hoạt động của CĐS. Các cuộc tấn công có thể gây gián đoạn kinh doanh, thiệt hại doanh thu, lợi nhuận. Song song với đó, an ninh mạng trở thành yếu tố quan trọng để khách hàng an tâm sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, DN…

Theo nhiều chuyên gia, trên thực tế, nhận thức về nguy cơ mất an ninh thông tin và thiệt hại khi xảy ra sự cố mạng của một số cơ quan, tổ chức và DN vẫn còn hạn chế. Công tác kiểm tra, quản lý hệ thống mạng thông tin còn lỏng lẻo, nhân viên sử dụng các máy tính kết nối internet vào các mục đích cá nhân, dẫn đến những nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hệ thống thông tin, hệ thống mạng máy tính, lộ lọt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, tài liệu nội bộ của đơn vị trên môi trường mạng… Điều này tác động không nhỏ tới tiến trình CĐS của tổ chức, DN…

Tại hội thảo An toàn thông tin, thách thức quá trình CĐS vừa được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, Phó giám đốc Công an tỉnh Trần Anh Sơn chia sẻ, các cơ quan, đơn vị, DN chủ quản hệ thống thông tin, hệ thống mạng phải chủ động có các giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, phòng, chống tấn công mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước; phòng, chống hoạt động gián điệp mạng; xây dựng các phương án và biện pháp ứng phó với các sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng…

* Đồng bộ phát triển dữ liệu, hạ tầng và nhân lực số

Những vấn đề liên quan đế xây dựng hệ thống dữ liệu, phát triển hạ tầng viễn thông, kết nối internet và phát triển nguồn nhân lực là những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình CĐS.

Đoàn công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham quan mô hình quản trị dữ liệu tại trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Hải Hà)

Đoàn công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham quan mô hình quản trị dữ liệu tại trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Hải Hà)

Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường nhấn mạnh, để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số nhất thiết phải có hạ tầng số và nguồn nhân lực với năng lực đáp ứng được các yêu cầu. Hạ tầng số là trụ cột cho việc sử dụng công nghệ số, lưu chuyển dữ liệu, kết nối chia sẻ thông tin… Trong khi đó, nhân lực số là nhân tố cần thiết để khai thác tận dụng hiệu quả sức mạnh công nghệ để nâng cao năng suất làm việc, đổi mới, sáng tạo…

Theo nhiều chuyên gia, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, điều kiện để triển khai ứng dụng phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng. Tuy nhiên, để việc triển khai ứng dụng này phát huy hiệu quả thì địa phương cần chủ động xây dựng, tích hợp dữ liệu một cách đồng bộ, phù hợp và kịp thời.

Phó viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo DN (3AI) Ngô Hữu Thống chia sẻ, CĐS và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu đang trở thành xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại. Đồng Nai có nhiều cơ hội, lợi thế trong tiến trình CĐS. Tuy nhiên, việc thúc đẩy các ứng dụng CĐS tại địa phương cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ cho bộ phận phụ trách, cũng như tối ưu hóa việc hợp tác với các DN công nghệ.

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202310/thach-thuc-trong-xay-dung-ha-tang-so-bao-mat-thong-tin-7cc4390/