Loại rau quen thuộc có tác dụng trị bệnh không ngờ
Vào những ngày hè nóng bức, bạn có thể sử dụng rau ngót để điều chế thành các món ăn/bài thuốc từ rau ngót để phòng bệnh cho cả gia đình.
Ở nước ta, có một loại rau cực kỳ dễ trồng, lại còn được ca tụng "rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc" đó chính là rau ngót. Rau ngót được mệnh danh là thang thuốc "công bổ kiêm thi" (vừa công vừa bổ); "vừa phù chính vừa khu tà" (nâng đỡ chính khí, trừ tà khí) nghĩa là vừa tăng đề kháng, lại chống lại bệnh tật xâm nhập cơ thể.
Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy, trong 100g rau có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 23.300UI betacaroten, 85mg sinh tố C...
Vào những ngày hè nóng bức, bạn có thể sử dụng rau ngót để điều chế thành các món ăn/bài thuốc từ rau ngót để phòng bệnh cho cả gia đình. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội):"Trong Đông y, rau ngót là một loại thảo dược có đặc tính mát, giải nhiệt và đặc biệt là rất lành tính. Lá rau ngót vị ngọt, tính mát lành, có tác dụng điều hòa nội tạng, bổ ích cơ thể, tăng cường cơ năng tiêu hóa và bài tiết".
Những món ăn/bài thuốc trị bệnh từ rau ngót như sau
1. Giải nhiệt vào mùa hè
Trong ngày nóng, rau ngót có thể được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt. Các gia đình có thể uống lá rau ngót tươi dưới dạng nước ép lá hoặc nấu canh rau ngót để ăn.
2. Trị táo bón
Theo Đông y, rau ngót bổ âm, sinh tân dịch, nhiều chất xơ nên ngăn ngừa được táo bón. Cách làm: Nấu canh rau ngót sẽ có tác dụng trị táo bón. Một số món canh rau ngót các bà nội trợ nên làm thường xuyên để chống táo bón hiệu quả cho cả nhà là rau ngót nấu bầu dục, rau ngót nấu thịt lợn băm, rau ngót nấu xương ninh…
3. Tốt cho phụ nữ sau sinh
Phụ nữ sau sinh, nên dùng rau ngót để vừa bổ âm, sinh tân dịch, bù lại âm và tân dịch mất cùng máu khi sinh.
4. Trị nhiệt miệng
Lá rau ngót đem rửa sạch rồi dùng máy xay nhuyễn, ép lấy nước, sau đó cho thêm một chút mật ong vào đánh đều tay. Dùng hỗn hợp này bôi lên vùng da miệng bị nhiệt. Kiên trì bôi trong 3 ngày vết loét sẽ khỏi.
5. Trị chảy máu cam
Rau ngót rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước và ít đường vào để uống. Bã gói vào khăn xô hoặc gạc sạch đặt lên mũi.
6.Chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ
Cách làm: 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng cho trẻ, nó còn là bài thuốc kích thích ăn uống ở những trẻ biếng ăn.
Lưu ý khi sử dụng rau ngót
- Khi chế biến, nên để nguyên lá, không vò nát để tránh làm mất đi chất dinh dưỡng có trong rau.
- Khi chọn rau ngót, tốt hơn hết là chọn cây có lá mỏng nhưng cứng. Không nên mua rau ngót dày mềm, hoặc lá bị xoăn lại, bất thường, bởi đó là dấu hiệu của rau ngót đã bị phun thuốc bảo vệ thực vật.
- Chỉ nên dùng tối đa 50g rau ngót trong một ngày, tránh ăn liên tục trong 3 tháng vì việc tiêu thụ quá nhiều rau ngót sẽ gây ra chứngmất ngủhoặc khó ngủ. Khi chế biến, rau ngót cần được rửa sạch, nấu chín kỹ và không vò nát rau trước khi nấu, tránh làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi trong rau.
- Phụ nữ đang mang thai không nên ăn nhiều rau ngót vì có thể gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe mẹ và bé
- Rau ngót có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, phốt pho. Nguyên nhân là bởi trong rau ngót có chứa glucocorticoid có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi và phốt pho. Chính vì thế, những đối tượng bị còi xương, thiếu canxi không nên ăn rau ngót nhiều.