Lo tăng trưởng tín dụng từ đầu năm
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp quota room tín dụng sớm đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai ngay giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng đến những khách hàng có dự án khả thi, để giải ngân vốn, kích cầu nền kinh tế…
Giảm lãi suất, giảm thiểu thủ tục
Lần đầu tiên sau nhiều năm, NHNN áp dụng cơ chế điều hành tín dụng mới - giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn bộ 15% cho các NHTM thay vì cấp tín dụng theo từng giai đoạn như trước. Đây là một bước chuyển biến mới, tạo sự chủ động cho các NHTM trong phân bổ vốn, tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Một cán bộ tín dụng ở Agribank Thừa Thiên Huế điện thoại cho tôi: “Nếu anh có nhu cầu vốn trung hạn, em hỗ trợ gói cố định 1-2 năm đầu với lãi suất 8,5-9%/năm, thấp hơn trước gần 5%/năm”. Cán bộ tín dụng này thông tin thêm: Do được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm ngoái, nên việc phân bổ vào quý I/2024 được Agibank triển khai ngay từ đầu năm.
Theo lãnh đạo NHTM cổ phần trên địa bàn thành phố Huế, hạn mức tín dụng được phân bổ sớm giúp các NHTM có thể quyết định ngay việc dành nguồn vốn của mình cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ vay. Để hoàn thành kế hoạch này, một số món vay thậm chí có thể không cần tài sản thế chấp nếu DN chứng minh dòng tiền thông qua các đơn hàng của mình. Quý I/2024, thời điểm bắt đầu sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng năm; đây là khoảng thời gian được xem cần tăng tốc để vốn tín dụng tiếp tục đưa đến các địa chỉ cần hấp thụ vốn.
Khảo sát thực tế, để kích cầu cho vay, các NHTM đã đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay. Tại 4 NHTM lớn: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank, lãi suất cho vay mua nhà đã hạ xuống quanh mốc từ 6,5-7%/năm, giảm từ 2-3% so với cuối năm ngoái và 4-6% so với trước đây. Riêng Agribank cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
ACB áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn của DN có phương án SXKD có lợi cho môi trường và xã hội. Các khoản vay còn được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 2 năm và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn. Sacombank mới đây bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng vào gói tăng tốc SXKD dành cho DN. Lãi suất cho vay 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 - 12 tháng…
Lo khả năng hấp thụ vốn
Giám đốc DN Vĩnh An (TP. Huế) - Hồ Văn Khánh thông tin: Vietinbank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay trước đó khoảng 0,5%/năm; đồng thời hứa nếu vay mới sẽ đơn giản hóa một số thủ tục. “Lãi suất cho vay dù đã có hạ, song so với sức chịu đựng của DN trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay thì vẫn còn quá tầm với. Các lĩnh vực ưu tiên thì dễ thở, chứ với nhóm DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ đa phần như chúng tôi, chi phí lãi vay vẫn ăn hết lợi nhuận, thậm chí, lợi nhuận còn không đủ để trả lãi vay”, anh Khánh thừa nhận.
Kế toán trưởng một DN trên địa bàn tính toán: Chi phí tài chính của công ty chiếm khoảng 3 - 5%, trong đó tới 70% là chi phí vốn vay. Với đòn bẩy tài chính lớn như thế, lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. “Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp kích thích nhu cầu vay vốn của các DN. Tuy nhiên theo tôi, ngân hàng cũng nên miễn giảm thêm phí dịch vụ, hoặc tăng hạn mức cho vay tín chấp, không tài sản đảm bảo để có thể thu hút được các khách hàng tốt tới vay vốn”, vị kế toán trưởng kiến nghị.
Thông tin từ NHNN, các NHTM dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân giảm 0,3 - 0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 cho thấy, hơn 20% số công ty được hỏi khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; hơn 40% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và hơn 30% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm… Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, DN dần trở lại nhịp độ SXKD bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi.
Tại hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng” vừa được tổ chức, theo một chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng là cần tập trung cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước. Trong đó, cải thiện môi trường SXKD là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên. Đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế, ví dụ như là chính sách tài khóa trong thúc đẩy đầu tư công; nghiên cứu tiếp tục giảm thuế, phí, nhằm hỗ trợ các DN trong quá trình phục hồi. Các NHTM cần có chính sách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, từ đó tạo động lực để kích cầu SXKD, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần tiếp tục những biện pháp để giúp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản vì đây là yếu tố quyết định lớn đến nhu cầu tín dụng cá nhân…