Lo ngại 'tuổi thọ' của luật khi luật hóa cả nghị định, thông tư
Với việc luật hóa cả nghị định, thông tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về 'tuổi thọ' của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Quá trình xây dựng dự thảo luật chưa cập nhật được các chính sách mới, quy định vừa thiếu, vừa thừa, dễ chồng chéo với các luật khác.
Luật hóa các quy định dưới luật
Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo sửa đổi lần này quy định chi tiết các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật.
Về thu nhập được miễn thuế, dự thảo sửa đổi theo hướng mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, dự thảo luật còn thiếu quy định về điều kiện thời gian giải ngân đối với số vốn 20.000 tỷ đồng còn lại của các dự án “đại bàng” và 2.000 tỷ của các trung tâm nghiên cứu phát triển. Để tránh khoảng trống trong pháp luật và tạo cơ sở cho việc thực hiện hậu kiểm của cơ quan thuế, đề nghị cần cân nhắc bổ sung nội dung quy định rõ về thời gian giải ngân đối với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt này.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, cần hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn, vì nhiều nội dung trong dự thảo luật hóa các quy định dưới luật là các nghị định, thông tư.
Ông Định lưu ý, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì để Chính phủ quy định. Không phải các quy định đang thực hiện cứ ổn định rồi lại đưa vào luật.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, lĩnh vực thuế cần phải đề ra một số nguyên tắc, vì tới đây sửa nhiều đạo luật về thuế khác.
Ông Tùng cũng cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo luật đang được luật hóa từ các nghị định, thông tư hiện hành. Nhiều quy định vừa thiếu, vừa thừa thì có nên luật hóa không?
“Cần khái quát về tiêu chí, chứ không nên liệt kê, vì như thế sẽ sớm lỗi thời”, ông Tùng nêu.
Lo ngại “tuổi thọ” luật khi luật hóa cả nghị định, thông tư
Với việc luật hóa cả nghị định, thông tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về “tuổi thọ” của luật này. Quá trình xây dựng dự thảo luật chưa cập nhật được các chính sách mới, quy định vừa thiếu, vừa thừa, dễ chồng chéo với các luật khác.
Tán thành sự cần thiết sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phạm vi sửa lần này phải làm có tính chất toàn diện hơn và có đánh giá tác động. Qua đó, cần lý giải cho thật kỹ, thuyết phục, vì sao phải sửa, sửa cái gì, sửa như thế nào?
“Quan điểm của tôi là thấy vướng cái gì thì sửa ngay cái đó”, ông Mẫn nêu.
Nhấn mạnh quan điểm “cái gì đã chín, đã rõ thì sửa, cái gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải đánh giá thật kỹ, sửa cái mới phải tốt hơn cái cũ. Muốn vậy, lãnh đạo các bộ ngành, bộ trưởng, thứ trưởng phải trực tiếp nghe từng khoản, từng điều, từng chương.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, trốn thuế, thất thu thuế, phù hợp với xu thế và thông lệ quốc tế…
Đề cập đến việc đổi mới cách làm luật theo tư duy mới, quan điểm mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cái gì thuộc phạm vi Quốc hội thì Quốc hội quy định, cái gì thuộc Chính phủ thì Chính phủ ban hành thực hiện.
Cần có mức ưu đãi với tất cả các loại hình báo chí
Liên quan đến mức thuế suất ưu đãi, dự thảo sửa đổi bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vấn đề này được các cơ quan báo chí nói nhiều. Hiện toàn bộ báo chí là cơ quan nhà nước, nguồn thu dựa vào quảng cáo, trong khi đó “bánh quảng cáo” lại giảm đi rất nhiều. Các cơ quan báo chí hiện rất khó khăn, do vậy, theo ông Vinh, cần có mức ưu đãi với tất cả các loại hình báo chí.