Lo cho 'sức khỏe' của doanh nghiệp ngành điều

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Bạch Khánh Nhựt, mục tiêu xuất khẩu điều năm nay có thể đạt nhưng điều cần quan tâm hơn là 'sức khỏe' của các doanh nghiệp trong ngành, do giá nguyên liệu đang cao hơn giá xuất khẩu. Thời điểm này, các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực về thị trường, chính sách, tín dụng…

Doanh nghiệp không có lợi nhuận do giá nguyên liệu tăng

- Tình hình xuất khẩu điều 4 tháng đầu năm nay như thế nào, thưa ông?

- Theo số liệu thống kê, tháng 4.2024, nước ta xuất khẩu được 65.000 tấn nhân điều, thu về 350 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 216.000 tấn, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường lớn, như Trung Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ... ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt hơn 52 nghìn tấn, kim ngạch 280 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2023.

Tiếp đến là Trung Quốc, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 31.500 tấn nhân điều chế biến, kim ngạch 175 triệu USD, tăng mạnh 102% về lượng và tăng 74% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều chế biến sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt bình quân 5.570 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 3 của Việt Nam, với gần 13.7000 tấn, tương đương hơn 76 triệu USD.

Dù xuất khẩu điều tăng cả về lượng và giá trị, nhưng giá xuất khẩu nhân điều chế biến lại giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, bình quân chỉ đạt gần 5.370 USD/tấn trong 4 tháng đầu năm nay.

- Vì sao giá xuất khẩu giảm nhưng giá nguyên liệu lại tăng?

- Giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi luôn ở mức cao hơn so với điều nhân xuất đi. Các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để cho có hiệu quả, lợi nhuận. Hầu như 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp không cân bằng được giá vì nguồn cung điều thô là đối tác khác và đối tác mua điều nhân lại là đối tác khác.

Lý do là vì năm nay là năm hạn hán, hiện tượng El Nino ảnh hưởng trực tiếp các nước nông nghiệp, sản lượng bị mất mùa vụ. Tại Việt Nam, theo thống kê, mất mùa đến 20 - 25%. Ở châu Phi, cụ thể là Bờ Biển Ngà, cũng mất 20% sản lượng điều do thời tiết khắc nghiệt. Điều này dẫn đến nguồn cung thiếu hụt so với những năm trước, khiến các nhà kinh doanh đẩy giá lên.

Hiện, Chính phủ Bờ Biển Ngà đã quan tâm, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất trong nước mở các nhà máy; Nhà nước cũng hỗ trợ cho các công ty để đẩy mạnh sản xuất nên theo thời gian, nhu cầu nguồn nguyên liệu của nước này cũng tăng lên. Thay vì trước đây xuất khẩu hoàn toàn, nước bạn đã dành 30% để tiêu dùng, sử dụng cho các nhà máy trong nước.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Mùa vụ thất thu, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước ở châu Phi mỗi năm mỗi tăng, nên lượng nguyên liệu cung cấp về Việt Nam sẽ càng thu hẹp lại, dẫn đến đẩy giá nguyên liệu tăng cao.

Về điều nhân, các khách hàng mua điều nhân như Mỹ, châu Âu từ cuối năm 2023 đã mua một lượng dự trữ lớn nên từ đầu năm cũng không vội nhập khẩu thêm.

Những nguyên nhân này khiến giá xuất khẩu không nhích lên được trong khi giá nguyên liệu tăng cao. Do đó, doanh nghiệp mua thô rồi sản xuất để xuất khẩu đang không có lợi nhuận.

Nguy cơ mất vị thế số 1

- Ông dự báo thế nào về tình hình xuất khẩu điều quý II và trong cả năm 2024?

- Trong quý II, xuất khẩu điều dự báo sẽ tăng so với quý I nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng. Tại châu Á, Trung Quốc cũng đặc biệt ưa chuộng hạt điều Việt Nam. Ngoài ra, khu vực châu Á không bị ảnh hưởng do xung đột Biển Đỏ, đây là điều kiện tốt cho xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Xuất khẩu điều quý III cũng được dự báo sẽ cao hơn quý II.2024. Nhìn chung, mục tiêu VINACAS đặt ra từ đầu năm vẫn có thể đạt, từ 3,8 tỷ USD hoặc hơn, nhưng điều mà ngành đang quan tâm là "sức khỏe" thực sự của doanh nghiệp.

- Để có thể vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp, VINACAS có đề xuất gì, thưa ông?

- Thời điểm này, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực về thị trường, chính sách, tín dụng… để có thể vừa tăng xuất khẩu, vừa tăng sức khỏe cho doanh nghiệp ngành điều.

Hai năm trước, doanh nghiệp cầm giấy tờ nhà đất đi vay được 100 tỷ đồng nhưng đến hiện tại giá trị nhà đất đã giảm, giờ này chỉ được 50 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá nguyên liệu cao hơn hẳn so với các năm trước, mức vay thấp khiến cho các doanh nghiệp điều rất thiếu nguồn tài chính. Chính vì vậy, giải pháp cần thiết nhất là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương quan tâm, xem xét có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Thêm nữa, nguyên liệu điều về Việt Nam ngày càng giảm. Nếu Việt Nam không có chính sách canh tác, mở rộng diện tích cây điều phù hợp thì tới một lúc nào đó chúng ta sẽ hết nguyên liệu tại chỗ, nguồn cung cũng càng giảm. Tới lúc nào đó chúng ta sẽ mất vị thế là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Vì vậy, thời gian tới, cần có chính sách để mở rộng diện tích trồng điều, bảo đảm chất lượng, giá bán.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, VINACAS khuyến cáo các doanh nghiệp nên bình tĩnh để giữ cho doanh nghiệp không bị mất cân đối trong sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp nên cân đối được hợp đồng điều nhân xuất khẩu, khi có hợp đồng liên hệ khách mua, sau khi chốt giá mới đi tìm giá nguyên liệu phù hợp. Còn nếu ngay từ đầu đã mua nguyên liệu giá cao rồi mới sản xuất mà không nắm được giá bán thì sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/lo-cho-suc-khoe-cua-doanh-nghiep-nganh-dieu-i372876/