Linh hoạt điều chỉnh tăng lãi suất điều hành

Nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có hai lần quyết định nâng các mức lãi suất điều hành. Các chi nhánh ngân hàng (CNNH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN và ngân hàng (NH) cấp trên về thực hiện lãi suất.

Agribank Chi nhánh huyện Tân Sơn chú trọng triển khai các chương trình tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Năm 2022, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo Quyết định của NHNN, từ ngày 25/10, trần lãi suất tiền gửi từ một tháng đến dưới sáu tháng lên 6%/năm (tăng thêm 1%) và nhiều mức lãi suất khác cũng tăng tương ứng. NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng (CNNH), TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN và NH cấp trên về thực hiện lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở các CNNH, TCTD trên địa bàn đã tăng. Hiện nay, lãi suất huy động từ 3,0-6%/năm (kỳ hạn một đến năm tháng), 4,0%-7,7%/năm (kỳ hạn sáu tháng đến chín tháng), 5,5-8,2%/năm (kỳ hạn 12 đến 18 tháng), 5,3%-8,3%/năm (kỳ hạn 24 tháng), 7,4%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên từ 3,5-7%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn đối tượng sản xuất, kinh doanh phổ biến từ 6-11,5%, cho vay tiêu dùng từ 7,99-11%/năm; lãi suất cho vay trung hạn đối tượng sản xuất, kinh doanh phổ biến từ 8-12%, cho vay tiêu dùng từ 7,99-13%/năm; lãi suất cho vay dài hạn đối tượng sản xuất, kinh doanh phổ biến từ 8-12,5%/năm, cho vay tiêu dùng từ 7,99-13%/năm.

Theo ghi nhận, sau khi lãi suất huy động tăng, nhiều người dân Phú Thọ đã chủ động lựa chọn kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm. Đây cũng chính là lợi thế để các NH đẩy mạnh huy động vốn, sớm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn năm 2022. Đối với kế hoạch tăng trưởng tín dụng, ước đến thời điểm 30/10/2022, dư nợ toàn địa bàn đạt 92.057 tỉ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021, ước năm 2022 dư nợ cho vay đạt 92.500 tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2021, đạt trên 100% so với kế hoạch định hướng của ngành NH Phú Thọ năm 2022.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cho vay sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sử dụng vốn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội có liên quan đến sử dụng vốn tín dụng. Ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP gạch men TASA, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì chia sẻ: “Hiện nay, cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất vay NH tiếp tục tăng là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp. Dù khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn ý thức được rằng, việc tăng lãi suất lần này là một trong những động thái điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát lạm phát nên doanh nghiệp chia sẻ và chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng”.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng, NHNN Việt Nam quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn). Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn (và các lĩnh vực ưu tiên khác) vẫn có thể tiếp cận vốn vay với chi phí thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã tăng.

Theo ông Phạm Trường Giang- Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các CNNH, TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam và hội sở chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, không cạnh tranh bằng lãi suất. Cùng đó, chỉ đạo các NH thương mại đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trong room tín dụng được giao, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành và chủ trương, chính sách đến các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp hiểu, đồng thuận với mục tiêu, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, tín dụng, ngân hàng của Chính phủ, NHNN. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần tính toán kỹ lưỡng, chủ động cân đối tài chính và có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/linh-hoat-dieu-chinh-tang-lai-suat-dieu-hanh/189222.htm