Liệu cuộc chiến đẫm máu ở Sudan có đi đến hồi kết?

Hy vọng chấm dứt nội chiến tại Sudan vừa được nhen lên sau khi quân đội chính phủ liên tiếp giành thắng lợi ở nhiều thành phố chiến lược và sắp đánh bật lực lượng đối lập RSF khỏi thủ đô Khartum.

Quân chính phủ sắp giành lại Khartum

Những bước tiến gần đây nhất của quân đội Chính phủ Sudan chống lại Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự tại thủ đô Khartoum đang làm nhen lên cơ hội chấm dứt thế bế tắc cho cuộc nội chiến đẫm máu ở quốc gia rộng thứ ba ở châu Phi này.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời để giải quyết các vấn đề cấp bách của Sudan và hỗ trợ quân đội “quét sạch” RSF.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời để giải quyết các vấn đề cấp bách của Sudan và hỗ trợ quân đội “quét sạch” RSF.

Vào đầu tháng 1, quân đội chính phủ đã giành lại được thành phố chiến lược Wad Madani, cách thủ đô Khartoum khoảng 180 km về phía Nam, thủ phủ của vùng sản xuất lương thực quan trọng nhất đất nước. Cách đây 2 tuần, tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu quân đội Chính phủ Sudan, đã trở về đại bản doanh cũ của ông tại Khartoum, lần đầu tiên sau gần 2 năm phải rút khỏi đây trước các cuộc tấn công của RSF.

Lực lượng của Tướng Al-Burhan vừa chiếm được một nhà máy lọc dầu chiến lược ở phía Bắc thủ đô Khartoum và giành quyền kiểm soát quận Đông Nile thuộc bang Khartoum. Trước đó một ngày, quân đội Sudan đã giành lại thị trấn Abu Quta ở phía Tây Bắc bang Gezira từ tay RSF. Cũng trong hôm đó, người phát ngôn của quân đội, đại tá Nabil Abdullah cho biết họ và các đồng minh đã đẩy lùi “tàn dư của lực lượng dân quân khủng bố Daglo” khỏi Kafouri và các khu vực khác cách 15 km về phía Đông Khartum.

Kafouri là khu phố giàu có nhất ở thành phố Bahri và từng được xem như căn cứ quan trọng của nhóm RSF bởi nơi đây có các bất động sản liên quan đến những lãnh đạo cấp cao của lực lượng này, bao gồm Abdel Rahim Daglo - anh trai của người đứng đầu RSF, Mohamed Hamdan Daglo. Chiếm được Kafouri đồng nghĩa quân đội đã nhổ được một cứ điểm rất mạnh bảo vệ Khartum.

Trong khi đó, một nguồn tin quân sự hôm 5/2 nói với hãng tin AFP rằng quân đội chính phủ đang tiến về trung tâm Khartoum, và các nhân chứng báo cáo đã xảy ra đụng độ tại đó cùng một số tiếng nổ lớn ở phía Nam thủ đô. Các sự kiện này đánh dấu những bước tiến quan trọng nhất của quân đội Sudan kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi tháng 4/2023 giữa quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và lực lượng RSF của tướng Mohamed Hamdan Daglo.

Người dân tại Wad Madani đón chào quân đội chính phủ Sudan trở lại tiếp quản thành phố.

Người dân tại Wad Madani đón chào quân đội chính phủ Sudan trở lại tiếp quản thành phố.

Sau khi để mất quyền kiểm soát thủ đô Khartum vào tay RSF ở giai đoạn đầu cuộc chiến, quân đội Chính phủ Sudan đã đảo ngược tình thế kể từ cuối năm ngoái nhờ ưu thế về không quân và sự trợ giúp của các lực lượng dân quân đồng minh. Vòng vây của họ giờ đây ngày càng thắt chặt xung quanh Khartum và RSF dường như không còn lựa chọn nào khác là rút khỏi thành phố này.

Có thể thành lập chính phủ lâm thời cho Sudan

Sau những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, ông Al-Burhan bắt đầu tính đến việc củng cố ưu thế chính trị để dẹp tận gốc RSF. Theo hãng tin Reuters, vị tướng này hôm 8/2 tuyên bố sẽ sớm thành lập chính phủ mới để điều hành các vấn đề cấp bách của đất nước.

Tướng Al-Burhan, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp và Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Sudan (SAF), đã đưa ra thông báo kể trên trong cuộc họp được tổ chức tại thành phố cảng Port Sudan với các lực lượng chính trị ủng hộ SAF. “Giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự thành lập chính phủ để hoàn thành các nhiệm vụ chuyển tiếp và có thể được gọi là chính phủ lâm thời hoặc chính phủ thời chiến”, một tuyên bố gửi tới báo chí sau cuộc họp dẫn lời tướng Al-Burhan khẳng định.

Theo tướng Al-Burhan, mục đích của chính phủ mới là hỗ trợ quân đội “quét sạch quân nổi loạn khỏi Sudan”. Nhà lãnh đạo này cho biết chính phủ lâm thời sẽ bao gồm các nhân vật yêu nước dù quan điểm chính trị khác nhau, song đều muốn chung tay xây dựng lại Sudan, nhưng ông loại trừ khả năng đàm phán với RSF. “Sẽ không có cuộc đàm phán nào với quân nổi dậy. Nhưng, nếu họ hạ vũ khí và rút khỏi nhà dân và các địa điểm dân sự thì chúng tôi có thể cân nhắc đàm phán với họ”, tướng Al-Burhan nói.

Thái độ cứng rắn của vị tướng 64 tuổi đang củng cố niềm tin rằng, ít nhất thì cũng sẽ có một bên đủ sức giành chiến thắng trong nội chiến Sudan, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27.000 người và khiến hơn 15 triệu người phải di dời, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Liên hợp quốc ước tính, một nửa trên tổng số 30 triệu dân Sudan đang phải chịu nạn đói nghiêm trọng.

Khói lửa bốc lên tại Abu Quta, phía tây bắc bang Gezira, khi quân đội chính phủ Sudan tấn công lực lượng RSF và giành lại thị trấn quan trọng này.

Khói lửa bốc lên tại Abu Quta, phía tây bắc bang Gezira, khi quân đội chính phủ Sudan tấn công lực lượng RSF và giành lại thị trấn quan trọng này.

Hệ thống sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thường xuyên bị gián đoạn và bị phá hủy ở nhiều vùng của đất nước. Trước cuộc xung đột hiện tại, bang Gezira đã sản xuất một nửa tổng lượng lúa mì của Sudan và có một trong những dự án thủy lợi lớn nhất thế giới. Sau khi giành quyền kiểm soát Wad Medani, thủ phủ của Gezira, vào tháng 12/2023, lực lượng RSF đã cướp bóc lương thực và thiết bị nông nghiệp, chiếm đóng các nhà máy thực phẩm và đốt phá mùa màng. Đến lượt các cuộc tấn công của quân đội chính phủ nhằm vào Wad Medani để đẩy lùi RSF cũng gây thêm nhiều thiệt hại cho thủ phủ nông nghiệp này.

Theo Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nạn đói leo thang và dịch bệnh bùng phát do thiếu thốn điều kiện chăm sóc y tế đang đe dọa mạng sống của hàng trăm nghìn trẻ em Sudan. Giám đốc UNICEF tại Trung Đông và Bắc Phi Edouard Beigbeder ước tính, khoảng 770.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại Sudan sẽ mắc phải dạng suy dinh dưỡng nguy hiểm nhất, suy dinh dưỡng cấp tính nặng, vào năm 2025.

“Cuộc xung đột khiến hoạt động cung cấp vật tư cứu sinh trên khắp đất nước trở nên vô cùng khó khăn vì việc phê duyệt giấy phép, các trạm kiểm soát và kiểm tra hàng gửi có thể làm chậm trễ đáng kể các chuyến đi, bên cạnh những thách thức về an ninh”, ông Beigbeder nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, “chấm dứt xung đột là cách duy nhất để đảm bảo trẻ em Sudan có thể tiếp cận được viện trợ nhân đạo... và có cơ hội xây dựng lại tương lai”.

Chiến trường Darfur sẽ quyết định cuộc xung đột?

Kể từ khi để mất Wad Madani, RSF này đã rút nhiều chiến binh về khu vực Darfur phía Tây Sudan, nơi có thể coi như thành trì cuối cùng của lực lượng này bởi họ đang kiểm soát 4 trong 5 bang tại đây. Nhận định về diễn biến kể trên, ông Osman Mirghani - Tổng Biên tập tờ Al-Tayar của Sudan, nói: “Thời gian đếm ngược cho ngày chiến tranh kết thúc đã bắt đầu, và trận đánh quyết định sẽ nằm ở thành phố El Fasher, thủ phủ bang Bắc Darfur”.

Ngay từ đầu cuộc nội chiến ở Sudan, El Fasher đã trở thành trung tâm nhân đạo lớn nhất của vùng Darfur. Ngày nay, thành phố này là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người, bao gồm 800.000 người tị nạn. Một thỏa thuận hòa bình không chính thức giữa các bên tham chiến - quân đội Sudan dưới quyền tướng Abdel Fattah Burhan và RSF của tướng Mohammed Hamdan Dagalo - hồi tháng 7/2023 đã mang lại sự an toàn tương đối cho dân số ngày càng tăng của thành phố. Nhưng, đến tháng 5 năm ngoái, tình hình đã thay đổi khi hai nhóm bán quân sự ở El Fasher - Quân đội Giải phóng Sudan và Phong trào Công lý và Bình đẳng - tuyên bố đứng về phía quân đội chính phủ. Để ngăn chặn liên minh này lớn mạnh, RSF bao vây El Fasher và giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ cũng như hai nhóm dân quân kể trên suốt từ đó đến nay.

Giới phân tích cho rằng, với việc RSF đang hứng chịu nhiều thiệt hại và gần như sẽ phải rút khỏi Khartum, tướng Mohamed Hamdan rất có thể sẽ dồn sức đánh một trận quyết chiến tại El Fasher. Nếu thắng, RSF có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Darfur rộng lớn với 5 bang thuộc loại lớn nhất Sudan và xốc lại tinh thần đang đi xuống nghiêm trọng của binh sĩ. Nhưng, nếu như nước cờ “tất tay” này không thành công, RSF khó tránh khỏi sụp đổ bởi hiệu ứng domino của thất bại tại đô thị lớn và quan trọng nhất ở phía Tây đất nước.

Người mẹ dẫn các con đi tìm thức ăn trong một trại tị nạn tại Sudan. Liên Hợp quốc ước tính khoảng 770.000 trẻ em Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong năm 2025.

Người mẹ dẫn các con đi tìm thức ăn trong một trại tị nạn tại Sudan. Liên Hợp quốc ước tính khoảng 770.000 trẻ em Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong năm 2025.

Theo người phát ngôn của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Seif Magango, RSF đưa ra tối hậu thư yêu cầu các lực lượng đang bảo vệ El Fasher phải rút lui khỏi thành phố này từ hồi cuối tháng 1. Tuy nhiên, quân đội chính phủ và các đồng minh cho biết họ sẵn sàng tử thủ. Chưa rõ các diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào, song trước mắt, giao tranh đang gây ra thêm nhiều đau khổ cho cư dân El Fasher.

Báo New York Times cho biết, một cuộc tấn công vào bệnh viện duy nhất đang hoạt động ở El Fasher hồi cuối tháng 1 do RSF tiến hành đã giết chết 70 người và làm bị thương 19 người. Để tránh nguy cơ mắc kẹt trong làn đạn, hàng trăm gia đình đã chạy khỏi El Fasher để tị nạn sang nước láng giềng Chad.

Những người Sudan ra đi với hy vọng mong manh rằng một ngày nào đó, họ có thể trở về để xây dựng lại cuộc sống. Nhưng, điều đó không nằm trong khả năng quyết định của họ. Hòa bình cho đất nước này chỉ có thể đến khi một trong 2 phe mạnh nhất của cuộc nội chiến, quân đội chính phủ hoặc RSF giành chiến thắng hoặc một hiệp định ngừng bắn được ký kết. Cả hai kịch bản ấy đều cần tác động mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, với những động thái thiết thực như cắt đứt nguồn tiếp sức cho các bên tham chiến hoặc gây sức ép bằng lệnh trừng phạt dành cho các vị tướng đang tranh giành đất nước.

Một thế “cờ tàn” đang manh nha xuất hiện, nhưng liệu cuộc nội chiến tại Sudan có nhờ đó mà chấm dứt hay không? Câu hỏi ấy, rất nhiều người dân Sudan có thể chẳng đủ may mắn để được sống đến lúc thấy lời đáp!

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lieu-cuoc-chien-dam-mau-o-sudan-co-di-den-hoi-ket--i758855/