Liên tiếp bắt các vụ sách giáo khoa giả mạo trước thềm năm học mới
Cơ quan quản lý thị trường thời gian gần đây liên tiếp phát hiện, bắt giữ vụ sách giáo khoa giả mạo. Trước thềm năm học mới, nhu cầu về đồ dùng học tập, sách giáo khoa tăng, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng.
Nhiều vụ sách giáo khoa giả bị bắt
Trước thềm năm học mới, nhu cầu về đồ học tập, sách giáo khoa gia tăng. Đây cũng là thời điểm mà các cơ sở in, kinh doanh sách giả hoạt động mạnh hơn. Xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã phát hiện, thu giữ gần 3.500 quyển sách giáo khoa nghi vấn có dấu hiệu giả sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an tỉnh Bình Dương và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Sách và Thiết bị Giáo dục Onlygol ở số 244 đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH Sách và Thiết bị giáo dục Duy Ngân tại 243/39/7A, đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hai công ty có 20 loại đầu sách, số lượng: 3.447 quyển sách giáo khoa nghi vấn có dấu hiệu giả sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Toàn bộ số sách đã bị thu giữ.
Trước đó, một đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn triệu sách giáo khoa giả đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an, phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động triệt phá. Hơn 3,2 triệu cuốn SGK giả của NXB Giáo dục Việt Nam, 3 dây chuyền máy in Offset; hơn 1,5 triệu tem giả của nhà xuất bản; 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp… tổng thu lợi bất chính của đường dây được xác định hơn 50 tỷ đồng.
Hệ lụy từ sách giáo dục giả
Trên thực tế, các hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, chưa được xử lý hiệu quả. Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có không ít những sản phẩm phục vụ việc dạy và học như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ, tranh ảnh giáo dục…. Các chuyên gia cho rằng, việc dùng các sản phẩm sách giả sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Theo Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, điều dễ nhận thấy nhất khi học sinh mua phải sách giả là giấy in, mực in của cuốn sách kém chất lượng. Nhưng hình thức chỉ là phụ mà điều đáng báo động của những cuốn sách giáo khoa giả lại là chất lượng, nội dung bên trong. Lo ngại nhất khi học sinh sử dụng sách in lậu với những sai sót về màu sắc, đường nét, nội dung sẽ dẫn tới việc sai lệch kiến thức tiếp nhận.
Một giáo viên trường của trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng bày tỏ, những sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn tới các sai lệc về kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Nhiều khi học sinh dùng phải sách giả lại không thể truy cập, sử dụng các tư liệu, tiện ích… vì mã code của sách được quản lý trên dữ liệu online, sách lậu in code giả bị chặn truy cập. Dễ nhận thấy điều này là ở các sách tiếng Anh. Theo các chuyên gia, để phân biệt được sách thật – sách giả, nhìn bằng mắt nhiều khi cũng khó phân biệt được. Để tránh hệ lụy, mọi người nên mua tại các cơ sở uy tín, theo nhà trường.