Liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Ngọc Lặc

Những năm gần đây, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc trồng sắn nguyên liệu.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, hiện nay toàn huyện có tổng diện tích nông, lâm nghiệp là 39.000ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000ha. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây diện tích cây sắn và cây mía có sự luân canh, những diện tích sắn, mía kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp. Diện tích lúa không chủ động nguồn nước chuyển đổi sang trồng ngô, mía, dong riềng, sắn dây, rau màu các loại kết hợp nuôi trồng thủy sản. Sản xuất lúa đi vào hướng sản xuất liên kết chất lượng bằng các loại giống lai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bằng nhiều hình thức. Khi tham gia vào chuỗi liên kết nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro, được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp liên kết, với diện tích 2.595ha, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn liên kết bao tiêu 1.700ha mía nguyên liệu; Công ty TH-True milk, Vinamilk bao tiêu 210ha ngô sinh khối; Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh liên kết, bao tiêu vùng sắn nguyên liệu với hơn 740ha cho các hộ dân; Công ty CP Nông nghiệp An Phước bao tiêu vùng nguyên liệu cây gai xanh 17ha; xã Ngọc Liên đã thành lập HTX liên kết các hộ dân chuyển đổi 60ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây sắn dây, dong riềng để chế biến thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như miến dong, sắn dây. Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì phát triển cây ăn quả liên kết theo quy trình VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn; mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đạt VietGAP trên địa bàn là 110ha. Trong đó, dưa vàng 3,7ha tại các xã Minh Sơn, Kiên Thọ, Lam Sơn, Nguyệt Ấn, còn lại chủ yếu là của Công ty Hồ Gươm Sông Âm... Theo tính toán, 1ha sau khi liên kết tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận tăng từ 5 đến 10%, đặc biệt sau khi liên kết, đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân mang tính ổn định và bền vững.

Hiện nay, huyện Ngọc Lặc tiếp tục rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để bổ sung vào quy hoạch chuyển đổi, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, khuyến khích thành lập tổ hợp tác, HTX để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, thuận lợi cho việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân...

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lien-ket-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-ngoc-lac-215074.htm