LHQ thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vừa nhất trí thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan. Việc công nhận Afghanistan trên danh nghĩa là một tín hiệu tích cực, dù chính quyền Taliban vẫn chưa được quốc tế chính thức đón nhận.

Phiên bỏ phiếu của HĐBA LHQ về thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan. Ảnh: EPA

Phiên bỏ phiếu của HĐBA LHQ về thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan. Ảnh: EPA

Công nhận Afghanistan của Taliban

Quyết định của HĐBA LHQ được bỏ phiếu thông qua với 14 phiếu ủng hộ và một phiếu trắng của Nga, trong số năm ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực HĐBA. Quyết định khá bất ngờ này diễn ra khi HĐBA tiến hành bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không sử dụng tên Taliban trong các văn bản chính thức và gia hạn một năm hoạt động của Phái bộ chính trị LHQ tại Afghanistan (UNAMA).

Việc gia hạn hoạt động của phái bộ không vũ trang của LHQ tại Afghanistan được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với an ninh và ổn định ở Afghanistan, bất chấp việc Taliban đã nắm quyền điều hành quốc gia Nam Á từ tháng 8/2021. Nghị quyết của HĐBA LHQ về Afghanistan gồm một số lĩnh vực hợp tác về nhân đạo, chính trị và nhân quyền, trong đó nhấn mạnh quyền của phụ nữ, trẻ em và nhà báo. UNAMA được triển khai năm 2002, với nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, hợp tác chính trị và hợp tác trong khu vực.

Lập tức, Taliban hoan nghênh Nghị quyết của HĐBA. Người phát ngôn Zabihullah Mujahid cho biết, Taliban đánh giá cao Nghị quyết, coi đây là bước tiến tích cực, sự ghi nhận của HĐBA đối với các nỗ lực của lực lượng này, đồng thời mong muốn Phái bộ UNAMA hoạt động hiệu quả để giải quyết các vấn đề nhân đạo và bảo đảm quyền con người tại Afghanistan. Ngoài ra, Taliban nhất trí sẽ phối hợp UNAMA bảo đảm an ninh và cuộc sống bình thường của người dân Afghanistan.

Đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo

Afghanistan đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là rất nghiêm trọng. Quốc gia Nam Á cũng đang chịu tác động kép của xung đột và hạn hán, khiến hơn một nửa trong số 38 triệu dân Afghanistan có nguy cơ lâm vào nạn đói trong năm nay. Tháng 1 vừa qua, LHQ kêu gọi viện trợ Afghanistan 5 tỷ USD nhằm tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) từng đưa ra khuyến cáo, người dân Afghanistan rất cần sự trợ giúp để có thể vượt qua nạn đói trước mắt trong bối cảnh khó khăn. Sản lượng lúa mì giảm 40% sau khi Afghanistan trải qua mùa khô hạn nhất trong gần 30 năm qua.

Giám đốc WFP tại Afghanistan, Mary-Ellen McGroarty nhấn mạnh, năm 2022 sẽ chứng kiến muôn vàn khó khăn của Afghanistan. WEP bày tỏ đau lòng khi khoảng hai triệu trẻ em Afghanistan có nguy cơ suy dinh dưỡng. Bà McGroarty cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ đang và sẽ tiếp tục kéo dài ở Afghanistan, đồng thời bày tỏ quan ngại quốc gia Nam Á đang phải qua thời điểm khó khăn, chống chọi đợt hạn hán nghiêm trọng thứ hai trong ba năm qua, bên cạnh xung đột, bạo lực tràn lan khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Đặc phái viên LHQ về Afghanistan, đồng thời là người đứng đầu UNAMA, bà Deborah Lyons cho rằng, cộng đồng quốc tế không có lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp Taliban nếu muốn hỗ trợ người dân quốc gia Nam Á. Theo bà Lyons, vẫn chưa có sự tin tưởng giữa Taliban và phần lớn cộng đồng quốc tế, thậm chí cả các nước trong khu vực và láng giềng của Afghanistan. Bà Lyons cho biết, phía Taliban phản ánh rằng các báo cáo của cộng đồng quốc tế chưa đúng thực tế tại Afghanistan, không đánh giá đúng những nỗ lực và thành quả của Taliban. Bà dẫn phản ánh của Taliban nêu rõ, tình hình an ninh tại Afghanistan đã được cải thiện, sau sáu tháng các vụ bạo lực giảm 78%, kinh tế được cải thiện, trường đại học công mở cửa trở lại cho sinh viên Afghanistan, bất kể nam hay nữ.

Bà Lyons dẫn tuyên bố của Taliban về cam kết bảo đảm Afghanistan sẽ không trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, mong muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước và các tổ chức quốc tế. Bà Lyons dẫn lời người được chính quyền Taliban chỉ định làm Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan cho rằng, cộng đồng quốc tế đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế với Afghanistan, làm tổn hại những thành tựu tích cực mà Taliban đã đạt được và làm gia tăng khó khăn của người dân.

Theo bà Lyons, UNAMA đang phối hợp Taliban giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có hoạt động vận chuyển hỗ trợ nhân đạo. Người đứng đầu UNAMA khẳng định, phối hợp với Taliban không có nghĩa là bỏ qua mọi thứ lực lượng này gây ra, nhưng sẽ mang lại cơ hội giúp người dân Afghanistan thoát khỏi xung đột và được theo đuổi mục tiêu thịnh vượng, hòa nhập và các quyền được tôn trọng.

SONG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-quocte/lhq-thiet-lap-quan-he-chinh-thuc-voi-afghanistan-690054/