Lênin - Người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản

V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilych Ulianov, sinh ngày 22-4-1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk, Nga), trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của V.I.Lênin đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc.Dù thời gian lùi xa và thế giới đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới.

LÊNIN ĐÃ ĐỂ LẠI MỘT GIA TÀI ĐỒ SỘ

Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I.Lênin đã để lại một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi ách áp bức, nô dịch.

Về lý luận, V.I.Lênin đã đúc kết toàn bộ chủ nghĩa Mác một cách khoa học, bổ sung nhiều nội dung mang tính chân lý bền vững cho cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác. Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Lênin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác, mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột, vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918. Ảnh: TTXVN

Là lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I.Lênin không chỉ quan tâm đến vận mệnh của nước Nga, mà còn luôn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. Bằng sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Nga, V.I.Lênin đã xác định đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản; đồng thời, vạch ra những vấn đề có tính nguyên tắc của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đối với Việt Nam, nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam.

Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu, vận dụng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, đến nay lý luận của V.I.Lênin nói riêng, của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG LÊNIN VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được “Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Đọc “Sơ thảo luận cương” của V.I.Lênin, Người cảm động: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

31 năm sau khi V.I.Lênin qua đời, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của V.I.Lênin chính thức mở cửa. Người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc của những năm tháng sống và học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây. Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:“Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt!”.

Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ V.I.Lênin, nhất là tư tưởng về quyền các dân tộc bình đẳng, về cách mạng vô sản… và bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga; bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định: “Con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”, “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của V.I.Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ”, nhưng không sao chép, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm 151 năm Ngày sinh của V.I.Lênin trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới là dịp chúng ta thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lênin, của chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202104/ky-niem-151-nam-ngay-sinh-vi-lenin-22-4-1870-22-4-2021-lenin-nguoi-thay-vi-dai-cua-cach-mang-vo-san-923908/