Lê Phụ Trần: Dũng tướng phò tá cơ nghiệp nhà Trần

Dù là văn quan nhưng khi lâm trận ông lại thể hiện được sự vũ dũng và mưu lược của tướng đánh trận, cứu vua Trần Thái tông thoát nạn. Tên tuổi ông gắn liền với trận đánh 'Bình Lệ Nguyên' trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất. Và ông chính là Lê Phụ Trần - một người con của xứ Thanh.

Xứ Thanh là quê hương của danh tướng Lê Phụ Trần (ảnh chụp dòng sông Mã gắn liền với đất và người xứ Thanh).

Theo sử liệu, Lê Phụ Trần người gốc Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), thuộc dòng dõi vua Lê Đại Hành. Cha Lê Phụ Trần là Lê Khâm - người có công lớn trong việc “giành” ngôi báu về cho nhà Trần từ nhà Lý, vì thế Lê Khâm được vua Trần Thái tông (tức Trần Cảnh) rất mực coi trọng.

Lê Phụ Trần vốn có tên là Lê Tần, từ trẻ đã bộc lộ kiến văn sâu rộng, học vấn uyên thâm, tài trí hơn người. Năm Canh Tuất (1250) ông đã được phong chức Ngự sử trung lang tướng làm việc ở viện Tam Ty (Ngự sử trung lang tướng là chức quan ở vị trí thứ ba trong “Ngự sử đài” là cơ quan chịu trách nhiệm can gián vua và xét tội các quan - theo tác giả Trịnh Hoành, sách Văn tài võ lược xứ Thanh). Tuy nhiên, không chỉ là văn quan được nhiều người trọng nể, Lê Tần còn là dũng tướng mưu lược nơi chiến trận.

Mùa đông năm Đinh Tỵ (1257) vó ngựa quân Mông Cổ sau khi càn quét nhiều quốc gia đã tràn xuống phương Nam, xâm chiếm Đại Việt. Từ Vân Nam, giặc theo sông Hồng và sông Lô tiến vào nước ta. Bấy giờ, từ đất Thăng Long, vua Trần Thái tông đem quân tiến lên đất Bình Lệ Nguyên để chặn giặc. Lê Tần theo vua Trần bàn việc quốc sự, quân cơ.

“Quân giặc theo hạ lưu tràn xuống rất mạnh. Vừa mới vượt sông, quân Mông Cổ đã xông ngay vào đánh. Nhưng chúng đã gặp sức chiến đấu quyết liệt của quân đội nhà Trần. Vua Trần Thái tông dấn thân giữa làn mưa tên, xông lên phía trước, tự mình đốc suất tướng sĩ đánh giặc. Quân Mông Cổ tiến quân ào ạt. Quân ta vẫn dũng cảm chống trả... Tướng Lê Tần gan dạ, hiên ngang cưỡi ngựa ra vào trận giặc... không một nét bối rối lo sợ... Nhưng rồi trận địa của ta bị lấn dần trước mũi nhọn tấn công ào ạt của giặc. Lúc bấy giờ có người khuyên vua đóng lại để tiếp tục chiến đấu. Lê Tần, viên dũng tướng tài ba biết rằng quân ta chưa thể đương nổi ngay với giặc trong điều kiện này, nên ông đã khuyên vua Trần tạm rút lui để bảo toàn lực lượng. Lê Tần nói: “Nay nếu bệ hạ cố sức đánh thì chỉ là dốc túi đánh nước cuối cùng thôi. Nên lánh đi, chớ nên nhẹ dạ tin lời người ta” (sách Danh tướng Việt Nam - Đỗ Đức Hùng biên soạn).

Nghe lời khuyên của Lê Tần, vua Trần cho rút quân. Trong tình thế đó, Lê Tần trở thành tướng chỉ huy chặn giặc, vừa bảo vệ thuyền vua rút lui. Thấy quân Trần rút, giặc Mông Cổ càng hăng sức đuổi theo, tên bắn ra như mưa, Lê Tần lại cho tháo ván thuyền để che cho vua khỏi trúng tên của kẻ địch. Âm mưu cướp thuyền, bắt sống vua tôi nhà Trần của quân Mông Cổ đã hoàn toàn bị chặn đứng.

Về việc này, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Thuần đã bình luận: “Lê Tần quả đúng là bậc có dũng khí hơn người... Nhưng đáng kính nhất vẫn ở chỗ, ông dám can gián nhà vua, phê phán một cách quyết liệt đối với ý kiến sai lầm. Quân pháp xưa cho phép chủ tướng có thể chém đầu kẻ dám làm sai lệnh huống chi trong trận ác chiến này chủ tướng cũng chính là nhà vua... Lê Tần đã lấy tính mạng của chính mình để bảo đảm cho ý kiến của mình. Nếu không phải bậc có dũng khí phi thường, quyết không thể nói được lời quả cảm như vậy... Hai là, nếu Lê Tần dám nói thì kính thay, vua Trần Thái tông cũng là người dám nghe. Khi ở ngôi cao quyền cả, nhất lại là lúc tình thế hiểm nghèo, thói thường người ta sẽ khó chấp nhận những ý kiến trái ngược với mình. Nhưng may mắn thay và cảm động thay, vua Trần Thái tông đã kịp thời nhận ra... Chỗ vua tôi tương hợp chính là ở đây” (sách Danh tướng Việt Nam, tập 1, Nguyễn Khắc Thuần).

Không từ bỏ dã tâm, quân Mông Cổ từ các thuyền chiến trên sông Hồng tràn xuống đánh chiếm thành Thăng Long. Bấy giờ trong triều đình có người tỏ ý lo sợ. Song nhờ có quyết tâm kháng chiến của Thái sư Trần Thủ Độ và Tiết chế Trần Quốc Tuấn (tức Hưng Đạo Đại Vương) cùng nhiều tướng sĩ nên vua Trần Thái tông càng vững tin chống giặc. Cùng với việc tạm chuyển quân và triều thần về Thiên Trường và Long Hưng chờ thời cơ phản công giặc, nhà vua còn ban hành kế sách “thanh dã” (vườn không nhà trống), cho người dân ở kinh thành Thăng Long và vùng lân cận di tản.

Và kế sách này đã phát huy hiệu quả, giặc tuy chiếm được Thăng Long nhưng vì cuộc chiến diễn ra dài ngày khiến chúng bị thiếu lương thực, lại thường xuyên bị quân dân nhà Trần phục kích đánh nên chúng càng hoang mang, mệt mỏi... Khi thời cơ đến, quân dân Đại Việt cùng nhau phản công đánh giặc.

Theo sử liệu, Lê Phụ Trần thuộc dòng dõi vua Lê Đại Hành (ảnh chụp tại Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn).

Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh: “... Vua Thái Tông cùng Thái tử Hoảng đã dùng lâu thuyền chỉ huy tập kích Thăng Long. Các tướng Lê Tần, Trần Khánh Dư... đem đại quân tập kết ở Đông Bộ Đầu, rồi đang đêm đánh vào thành Thăng Long, quân giặc phản công, đuổi quân Trần ra sông và sa vào trận phục kích gọng kìm trên sông (dưới đánh lên, trên đánh xuống)... Chúng cố sống chết lao thuyền chạy ngược sông Hồng hòng về nước lại bị thuyền quân ta truy kích. Các thuyền giặc chạy đến trại Quy Hóa lại bị dân binh do chủ trại Hà Bổng chặn đánh trên sông, chúng không dám chống trả, chỉ lo tháo chạy thoát thân”.

Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258) sau chiến thắng đánh đuổi giặc Mông Cổ, trong buổi luận công ban thưởng, khi nhắc đến Lê Tần, nhà vua tuyên bố: “Nếu không có khanh thì Trẫm làm sao có được ngày hôm nay. Khanh hãy cố gắng để được trọn vẹn mãi”. Đồng thời, vua Trần Thái tông cũng đổi tên cho ông thành Lê Phụ Trần - được hiểu là người họ Lê phò giúp cơ nghiệp nhà Trần.

Sau thất bại xâm lược nước ta, quân Mông Nguyên vẫn chưa từ bỏ dã tâm. Chúng ra nhiều yêu sách. Với văn tài biện thuyết, Lê Phụ Trần lại đảm nhiệm trọng trách đi sứ nhà Nguyên. Để nhượng bộ và cũng có thời gian nhằm củng cố lực lượng, nhà Trần đã đồng ý cứ 3 năm sẽ cống nạp một lần. Đổi lại, nhà Nguyên không được tùy tiện sai sứ thần sang sách nhiễu.

Năm Kỷ Mùi (1259) Lê Phụ Trần lại được chuyển sang làm Đại tướng Thủy quân - thống quản toàn bộ quân thủy ở các vệ của triều đình và ở các châu lộ trong cả nước.

Tiếp đó, năm Giáp Tuất (1274), triều đình nhà Trần bàn việc lập Thái tử, vua Trần phong Hoàng tử Khâm làm Hoàng Thái tử. Với mong muốn vị vua kế nghiệp sẽ tài đức vẹn tròn, nhà vua xuống chiếu chọn người có đức hạnh để dạy dỗ Hoàng Thái tử. Bấy giờ, Lê Phụ Trần lại được tin tưởng giao trọng trách dạy Hoàng Thái tử Trần Khâm - tức vua Trần Nhân tông, vị vua anh minh có nhiều đóng góp cho sự phát triển hùng mạnh của quốc gia Đại Việt.

Phụng sự hai triều vua Trần, lại có công dạy học Hoàng Thái tử; văn võ, tài đức vẹn tròn, Lê Phụ Trần được các vua nhà Trần quý trọng, xem như người thân tín. Cuộc đời cống hiến và xả thân của Lê Phụ Trần đã để lại danh thơm muôn đời, “xứng đáng là hậu duệ của Đại Hành Hoàng đế”.

Theo một số tài liệu sử, con trai ông chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng - dũng tướng nhà Trần nổi tiếng lịch sử với câu nói “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”... Lần giở sử sách, để mỗi người thấy được, lịch sử dân tộc đã được “viết” nên thật hào hùng, non sông gấm vóc của tiên tổ đã được giữ bền bởi biết bao những máu xương anh dũng của lớp lớp những thế hệ ông cha. Trọng trách bảo vệ cho toàn vẹn lãnh thổ, đâu thể của riêng ai.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/le-phu-tran-nbsp-dung-tuong-pho-ta-co-nghiep-nha-tran/30646.htm