Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết về công cuộc tái thiết Điện Biên

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2024), mới đây, NXB Trẻ đã tái phát hành tiểu thuyết 'Bốn năm sau' của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đi kèm theo đó là những trang nhật ký, thư từ… của cố nhà văn khi đi thực tế tại đây, khởi nguồn cho cuốn tiểu thuyết nói trên.

Ra mắt vào năm 1959, Bốn năm sau từng là hiện tượng xuất bản, thành công về mặt chất lượng cũng như phê bình ngay khi phát hành. Nó kể về quá trình kiến thiết Điện Biên 4 năm sau chiến thắng mang tính lịch sử cũng như chân dung của rất nhiều người thuộc giai đoạn này. Trong đó có Doan – nhân vật chính – từng là người lính tuyến đầu giờ được đưa về nông trường tăng gia sản xuất.

Trong một lần gặp gỡ vô tình, anh chạm mặt Ngàn – bé gái mà anh từng cứu trong những năm chiến đấu ác liệt, và rơi vào sự phân vân khi mẹ cô muốn tác hợp cho hai người. Tuy vậy Doan đã có vợ, nhưng người vợ ấy không thể thoát khỏi cám dỗ đời thường, nên đã quan hệ ngoài luồng với một người khác. Đứng trước tam giác tình cảm tiến thoái lưỡng nan, liệu anh sẽ phải làm sao?

Nhà văn Tô Hoài (trái) và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời kháng chiến chống Pháp. Ảnh Nguyễn Huy Thắng.

Nhà văn Tô Hoài (trái) và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời kháng chiến chống Pháp. Ảnh Nguyễn Huy Thắng.

Quan sát tinh tế

Với Bốn năm sau, Nguyễn Huy Tưởng đã phác họa một cách chân thật những gì diễn ra trong quá trình thay da đổi thịt vùng đất Điện Biên trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Về mặt thời tiết, đó là mảnh đất gần như khô cằn, hoang tàn trong chiến tranh với mùa khô gió Lào quét qua rát mặt, mùa mưa lũ cao đổ về. Ẩn sâu trong nền đất đó, những quả bom chưa nổ vẫn nằm rải rác là mối nguy hại tiềm tàng, khiến không ít người cụt chân, bỏ mạng ở tuổi đẹp nhất cuộc đời. Ngoài ra, việc thiếu ăn cũng khiến người lính gầy xộp, thiếu đi sức sống….

Nhưng cũng bằng những nỗ lực của người dân và chiến sĩ nơi đây, mà từng khu vườn tăng gia sản xuất cũng được dựng nên. Đó là từng nhành cam chiết cành được nâng niu chăm sóc, là từng chồi xanh của cây cao su có nhiều giá trị được trồng thử nghiệm… Và cũng dần dần nhiều quả bom được tháo ngòi nổ kịp thời, để cho máy bay có thể đáp xuống còn người dân quê và các chiến sĩ có thể di chuyển không còn sợ sệt.

Không những đi sâu về mặt vật chất, mà Nguyễn Huy Tưởng cũng khắc họa được những suy tư riêng của những người lính ở vùng đất này. Trong cuốn tiểu thuyết, bức tranh đa dạng của những mặt người và các diễn biến tâm lý phong phú đã được tái hiện một cách thành công. Đó là những người chăm chỉ, hướng tới một mục tiêu chung như Cường – người chiến sĩ dũng cảm rà phá bom mìn, như Doan – người từ chiến trường bị đưa về phía hậu cần là một “bước lùi” nhưng vẫn mạnh mẽ chấp nhận vì biết nó cùng hướng về một mục tiêu chung là xây dựng vùng đất Điện Biên giàu đẹp…

Các văn nghệ sĩ và cán bộ quân đội tại đồi A1 vào tháng 8.1958. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong bộ đồ ta màu đen, đứng giữa. Ảnh: Hoàng Thúy Toàn.

Các văn nghệ sĩ và cán bộ quân đội tại đồi A1 vào tháng 8.1958. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong bộ đồ ta màu đen, đứng giữa. Ảnh: Hoàng Thúy Toàn.

Không chỉ ca ngợi phẩm chất anh hùng, tác giả cũng tạo ra những nhân vật vô cùng thú vị, đem đến thêm sự sinh động cho cuốn tiểu thuyết. Đó là anh chàng Hớn hở - người luôn vui tươi, mang đến niềm vui cho cả đội quân dẫu phải đương đầu với khó khăn, ngặt nghèo. Ngược lại với anh là Thống chế - con người ù lì, lười nhác, bị thoái hóa trong đời sống quân đội… Các nhân vật này cho thấy khả năng quan sát tinh tế của vị nhà văn, khi cho thấy được một sự đa dạng những tính cách người, từ đó tôn vinh thêm tình đồng chí, tình quân dân để cùng dìu dắt qua mọi khó khăn.

Một điểm khác nữa là Nguyễn Huy Tưởng cũng dành phần lớn thời lượng tập trung vào các khía cạnh cá nhân của nhiều nhân vật. Đây có thể nói là một bước tiến ở thời bấy giờ, bởi trước đó trong thời gian lao, việc tập trung vào cái cá nhân thường bị cho là ủy mị, làm xuống tinh thần. Thế nhưng chính bởi tình thế lưỡng nan của Doan, Ngàn và vợ, sự chần chừ của Cường trong việc lập gia đình… đã làm toàn diện thêm tính cách nhân vật, qua đó ca ngợi sự bao dung và thứ tha của người làm cách mạng, khi dẫu tồn tại mâu thuẫn hay bất đồng thì cũng sẽ không bỏ lại ai cả.

Bìa sách Bốn năm sau và Những trang viết về Điện Biên. Ảnh: NXB Trẻ

Bìa sách Bốn năm sau và Những trang viết về Điện Biên. Ảnh: NXB Trẻ

Những trang viết ấp ủ

Trong lần tái phát hành này, Bốn năm sau cũng được in chung với những trang viết về Điện Biên được tác giả thực hiện trong suốt 4 tháng đi thực địa tại đây cùng nhiều văn nhân khác như nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Văn Tý… và các nhà văn Nguyễn Tuân, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận… vào năm 1958. Qua đó ta sẽ hiểu thêm về bối cảnh thực ở thời bấy giờ, cũng như hiểu được tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ và các văn nghệ sĩ – những người đã cống hiến và hy sinh rất nhiều cho công cuộc tái thiết Điện Biên.

Theo đó rất nhiều câu chuyện có thật đã được nhà văn khéo léo xử lý để đưa vào tác phẩm, chẳng hạn câu chuyện một anh bộ đội cứu một em bé lạc mẹ trong giao thông hào được Nguyễn Huy Tưởng cải biên thành câu chuyện của Doan và Ngàn, trong khi nhân vật Thống chế hay Hớn hở cũng có những hình tượng thật ngoài đời, được ông thêm vào màu sắc và tái hiện lại một cách thành công, sinh động…

Bút ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vào năm 1959. Ảnh trích từ sách

Bút ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vào năm 1959. Ảnh trích từ sách

Qua những trang nhật ký đầy ắp suy ngẫm cũng như sự kiện, có thể thấy rằng quy mô công việc mà tác giả chuyên chở là rất đáng kể. Như con trai Nguyễn Huy Thắng, người đồng thời biên soạn và chú dẫn tập sách, cho biết cha mình đã viết nhật ký như một thói quen. Với 4 tháng ở vườn ươm Điện Biên thì thói quen đó đã dần biến thành ý thức ngày càng rõ rệt hơn là lấy tài liệu để viết. Trong những trang văn, Nguyễn Huy Tưởng cũng không ít lần trăn trở và suy nghĩ cách hư cấu nó nhưng vẫn sát sườn hiện thực và thể hiện lại tất cả những gì xảy ra nơi đó một cách hợp lý và chân thật nhất.

Những trang viết này cũng giúp chứng minh đây không phải là chuyến đi phát vãng, “cưỡi ngựa xem hoa” như thời bấy giờ từng có dư luận khẳng định. Bởi lẽ nếu không cùng các chiến sĩ đi chiết cam ở Mường Pồn về nhân giống, nếu không cùng nhau đi lấy tre về đan phên làm giàn ươm cao su hay chung vui cho một mùa gặt mới, cùng nhau lo lắng khi sương giá tới… thì Bốn năm sau không thể sống động, hấp dẫn đến độ như thế. Nguyễn Huy Tưởng đã chứng minh việc viết cũng là góp phần tái thiết Điện Biên, để hậu thế sau này có thể nhìn lại một thời gian khổ, từ đó thêm vững lòng tin và không ngừng cố gắng xây dựng nước non giàu đẹp.

Từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, với lần tái phát hành này, tiểu thuyết Bốn năm sau không chỉ bảo tồn được về mặt chất lượng nghệ thuật, mà còn tìm được một thế hệ độc giả mới. Bên cạnh đó với việc tập hợp, biên soạn, chú giải và đặt song song với những tư liệu thô là các trang nhật ký, thư từ… người đọc cũng sẽ có thêm cơ hội để hiểu về quá trình lao động cũng như sáng tạo của một trong những nhà văn đã sống, chiến đấu và làm việc hết mình.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-huy-tuong-va-nhung-trang-viet-ve-cong-cuoc-tai-thiet-dien-bien-43495.html