Lễ nhậm chức của ông Biden và bà Harris diễn ra thế nào?

Ông Joe Biden và cấp phó Kamala Harris sẽ có một lễ nhậm chức đặc biệt trong lịch sử, khi số người tham dự bị hạn chế còn trụ sở quốc hội được thắt chặt an ninh như pháo đài.

Lễ nhậm chức là sự kiện chính thức đánh dấu khởi đầu của một nhiệm kỳ tổng thống mới. Tại buổi lễ, ông Biden sẽ đọc lời tuyên thệ: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ trung thành điều hành văn phòng tổng thống và làm hết khả năng của mình để giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.

Sau khi đọc lên những lời này, ông Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, và lễ nhậm chức sẽ kết thúc.

Trước đó, bà Kamala Harris cũng sẽ đọc tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ.

Lễ nhậm chức diễn ra lúc nào?

Theo BBC, hiến pháp Mỹ ấn định lễ nhậm chức của tân tổng thống diễn ra vào ngày 20/1.

Bài phát biểu khai mạc thường được lên lịch lúc 11h30 (giờ Washington). Bà Harris và ông Biden sẽ lần lượt tuyên thệ vào giữa trưa.

Vào cuối ngày, ông Biden sẽ chuyển đến Nhà Trắng - ngôi nhà của ông trong 4 năm tới.

Lễ nhậm chức của tổng thống thường đi cùng các kế hoạch an ninh chi tiết. Nhưng tình hình năm nay phức tạp hơn từ sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1.

 Khán đài trước được dựng lên trước Điện Capitol chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Getty.

Khán đài trước được dựng lên trước Điện Capitol chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Getty.

Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã cảnh báo về nguy cơ biểu tình có vũ trang tại thủ phủ của các bang trên khắp nước Mỹ và ở thủ đô Washington. Sở Mật vụ và các cơ quan an ninh đang tăng cường canh gác và phong tỏa khu trung tâm thủ đô.

Politico cho biết một buổi diễn tập bảo vệ lễ nhậm chức dự kiến diễn ra ngày 17/1 phải bị hoãn do lo ngại về an ninh.

Trong khi đó, chuyến tàu kéo dài khoảng 90 phút của ông Biden và cộng sự từ văn phòng ở Delaware đến Washington hôm 18/1 cũng bị hoãn bởi lý do tương tự, AP cho biết.

Tổng thống đắc cử Biden đã yêu cầu bà Lisa Monaco, cựu cố vấn an ninh nội địa của cựu Tổng thống Barack Obama, làm cố vấn tạm thời về an ninh cho lễ nhậm chức. Bà Monaco cũng được ông Biden đề cử cho vị trí thứ trưởng Bộ Tư pháp trong chính quyền mới.

Thủ đô Washington đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp do thị trưởng Muriel Bowser ban bố sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Lệnh này sẽ duy trì cho đến khi lễ nhậm chức kết thúc.

Hôm 15/1, bà Bowser lưu ý nơi diễn ra lễ nhậm chức không phải là địa điểm duy nhất bị đe dọa.

Bộ An ninh Nội địa đã nâng mức cảnh báo cho lễ nhậm chức, qua đó tăng cường nguồn lực để bảo vệ sự kiện. Sở Mật vụ là cơ quan điều phối chính trong kế hoạch an ninh, với sự hỗ trợ của khoảng 25.000 Vệ binh Quốc gia và hàng chục nghìn cảnh sát.

Đặc vụ Matt Miller - người đứng đầu văn phòng an ninh của Sở Mật vụ - cho biết việc lập kế hoạch bảo vệ đã diễn ra từ năm ngoái, khi ông Biden nhất quyết tổ chức tuyên thệ ngoài trời như truyền thống nhưng quy mô buổi lễ sẽ được thu hẹp.

Tổng thống Trump sẽ không tham dự

Việc tổng thống sắp mãn nhiệm dự lễ nhậm chức của tân tổng thống đã trở thành thông lệ. Nhưng ở sự kiện năm nay, ông Trump tuyên bố không tham gia.

Như vậy, ông Trump sẽ trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên trong 152 năm qua không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Trước đó, ông cam kết sẽ thực hiện quá trình chuyển giao "trật tự và suôn sẻ".

 Cựu Tổng thống Barack Obama chúc mừng ông Trump trong lễ nhậm chức năm 2017. Ảnh: Getty.

Cựu Tổng thống Barack Obama chúc mừng ông Trump trong lễ nhậm chức năm 2017. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, những người ủng hộ ông Trump thậm chí còn lên kế hoạch tổ chức một lễ nhậm chức "ảo" lần hai cho ông Trump, cùng thời điểm với khi ông Biden tuyên thệ.

Hơn 68.000 người khẳng định trên Facebook rằng họ sẽ tham gia sự kiện trực tuyến này để bày tỏ lòng ủng hộ với ông Trump.

Phó tổng thống Mike Pence nói ông sẽ đến dự buổi lễ của ông Biden.

Covid-19 có tác động thế nào?

Ở những lễ nhậm chức trước đây, Washington chứng kiến hàng trăm nghìn người vui mừng đổ về thành phố. Công viên National Mall tràn ngập khách, các khách sạn đều kín phòng.

 Khoảng 2 triệu người tham gia lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009. Ảnh: Getty.

Khoảng 2 triệu người tham gia lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009. Ảnh: Getty.

Nhưng quy mô của lễ nhậm chức năm nay sẽ “rất hạn chế”. Nhóm của ông Biden kêu gọi người dân Mỹ không đến thủ đô. Khuyến cáo này được chính quyền Washington lặp lại sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

Ông Biden và bà Harris vẫn tuyên thệ trước Điện Capitol, nhìn ra công viên National Mall. Đây là truyền thống được bắt đầu bởi cựu Tổng thống Ronald Geagan vào năm 1981.

Năm nay, phần lớn National Mall sẽ bị đóng cửa với công chúng. Trước đây, khoảng 200.000 vé được bán cho công chúng tham dự lễ nhậm chức. Nhưng năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành cùng với những lo ngại an ninh, chỉ khoảng 1.000 vé được bán ra.

Một lễ diễu binh tượng trưng vẫn diễn ra trong năm nay. Đây là một phần của quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình, cũng là dịp để tổng tư lệnh mới kiểm tra quân đội.

Nhưng cuộc diễu hành được chú ý nhất trên đại lộ Pennsylvania, khi tổng thống và phu nhân sẽ đi bộ đến Nhà Trắng, sẽ được thay thế. Ban tổ chức nói họ có kế hoạch tổ chức "tuần hành ảo" trên khắp nước Mỹ.

Lễ nhậm chức năm nay có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Lady Gaga, một người ủng hộ tích cực cho ông Biden. Jennifer Lopez cùng một số nghệ sĩ khác cũng sẽ góp giọng trong chương trình âm nhạc của sự kiện.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-nham-chuc-cua-ong-biden-va-ba-harris-dien-ra-the-nao-post1174743.html