Lấy sự hài lòng của người dân là trung tâm chuyển đôi số
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và cũng là đòn bẩy, tạo đà để TP Hà Nội có sức bật lớn trong thời kỳ trong thời kỳ hội nhập toàn cầu; chuyển đổi số được UBND TP thực hiện với mục tiêu 'lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền', mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số ở cơ sở mang lại tiện ích cho người dân:
Cụ thể hóa những chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, thời gian qua, chính quyền các cấp đã từ TP đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai nhiều mô hình hay, sáng tạo, bước đầu có nhiều sự biến chuyển tích cực với những hiệu quả rõ ràng. Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị đăng tải loạt bài về những mô hình chuyển đổi số thiết thực ở cơ sở mang lại lợi ích cho người dân.
Thực hiện chủ đề năm 2024 gắn với chuyển đổi số
Đầu năm 2024, Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên ban hành Kế hoạch số 204-KH/QU triển khai thực hiện chủ đề “Năm hành động vì cảnh quan, môi trường đô thị và chuyển đổi số” năm 2024.
Theo lãnh đạo UBND quận Long Biên, ngay từ đầu năm 2024, quận đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm đến 100% cán bộ chủ chốt quận và cơ sở. Trong đó, chuyển đổi số có 21 chỉ tiêu, 47 nhiệm vụ với trọng tâm xác định lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; ưu tiên triển khai các biện pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc lĩnh vực dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, tài nguyên và môi trườn để người dân, doanh nghiệp sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ số do cơ quan Nhà nước cung cấp.
Quận đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, phát động thi đua thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, ngành Lao động Thương binh và Xã hội phát động cao điểm thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh chuyển đổi số theo định hướng giáo dục thông minh; Hội Phụ nữ quận với dự án WODIMO - Phụ nữ ứng dụng công nghệ số; Đoàn thanh niên quận với đề án số hóa di tích… Các phường đã tổ chức nhiều chương trình phát động, lễ ra mắt các mô hình chuyên đổi số tại các tổ dân phố.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều mô hình chuyển đổi số thí điểm, bước đầu đạt hiệu quả tích cực sau khi vận hành: 100% văn bản đã được số hóa; gắn chữ ký số đối với 100% văn bản của Quận ủy và 97,2% văn bản của HĐND - UBND, các phòng, ban, đơn vị hiệp quản và UBND phường… cắt ngắn thời gian giải quyết 20% thủ tục hành chính; sử dụng mã QR khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức tại bộ phận một cửa quận, phường; thay thế máy xếp hàng lấy số bằng thẻ từ số.
Quận Đoàn phối hợp với các phường thực hiện số hóa 29 di tích bằng quét mã QR code, công nghệ du lịch trực tuyến META365 và số hóa 360. Qua đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ số hóa 3D trong lĩnh vực bảo tồn di sản; hoàn thành 7/14 chợ với mô hình chợ 4.0 và một số tuyến phố 4.0 đều không dùng tiền mặt thanh toán…
Nhiều mô hình chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả
Đồng chí Bùi Dương - Phó Chánh Văn phòng HĐND & UBND - Trưởng Bộ phận Một cửa quận Long Biên cho biết: “Chuyển đổi số chính là giải pháp, là động lực để rút ngắn thời gian, thu hẹp khoảng cách phát triển. Qua thực hiện chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp, dù ở bất cứ nơi đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân”.
Cũng theo đồng chí Bùi Dương, 6 tháng đầu năm 2024, quận Long Biên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số; việc triển khai chiến dịch cao điểm về chuyển đổi số tại phường Giang Biên với kết quả hết sức ấn tượng, không chỉ mang lại hiệu quả tích cực đối với phường mà còn có tác động mạnh mẽ đến các phường trong toàn quận.
Theo đồng chí Đào Mạnh Trung - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Giang Biên, trong thực hiện chủ đề năm của quận, nhiều mô hình chuyển đổi số phường Giang Biên đăng ký được thực hiện và hoàn thành sớm so với kế hoạch như: mô hình “Chuyển đổi số cấp phường”, “Tuyến phố xanh - hiện đại - ứng dụng chuyển đổi số” tại tổ dân phố số 3 và tổ dân phố số 7; thí điểm mô hình “Tổ dân phố chuyển đổi số” tại tổ dân phố số 18; mô hình “Kết nối an sinh xã hội - Chi trả các chế độ, chính sách qua thẻ ATM” và mô hình “Điểm về cải cách hành chính”.
Đặc biệt, mô hình chuyển đổi số “30 ngày đêm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến” là một mô hình hiệu quả, sáng tạo, đưa phường Giang Biên từ vị trí xếp hạng cuối cùng trong tổng số 14 phường về kết quả thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, lên vị trí số 1 chỉ sau 3 tuần triển khai thực hiện, với tỷ lệ người dân đăng ký hồ sơ trực tuyến là 108,94% tổng số hộ dân toàn phường và chiếm tỷ lệ 50,8% tổng số hồ sơ trực tuyến toàn quận.
Tại tổ dân phố số 1 và tổ dân phố số 12, phường Thạch Bàn đã triển khai mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số", “Di tích chuyển đổi số”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tổ dân phố về những tiện ích của của việc chuyển đổi số đến người dân.
Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chuyển đổi số cộng đồng trong việc hướng dẫn sử người dân sử dụng các ứng dụng về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, khai thác dữ liệu trên các nền tảng: VNeID, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp; kê khai cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 14 tuổi trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID... Các tổ dân phố đã tuyên truyền người dân thực hiện xác thực và kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 VNeID đạt tỷ lệ trên 97%. Tuyên truyền các đối tượng được hưởng lương hưu đang ký tài khoản ATM đạt 100%.
Tại phường Ngọc Thụy đã có nhiều mô hình chuyển đổi số tiêu biểu như: mô hình “Tiếp nhận công đức qua mã Qrcode”, “Điểm phát wifi miễn phí, tra cứu thông tin di tích qua mã QR” tại di tích Đình Phúc Xá và Đền Rừng; “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chợ văn minh thương mại 4.0”, “Tổ dân phố chuyển đổi số” và “Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số”, “ứng dụng chuyển đổi số trong phát động các loại quỹ”… đem lại hiệu quả thiết thực.
Mặc dù việc triển khai chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức. Song, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên đã ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.