Lắp rào chắn ngăn phương tiện tràn lên vỉa hè: Cần phù hợp và đồng bộ

7 năm trở lại đây, nhiều tuyến đường ở TPHCM đã lắp đặt rào chắn ngăn phương tiện tràn lên vỉa hè. Kết quả phần nào cho thấy đây là biện pháp hữu hiệu, vừa bảo vệ tốt vỉa hè lại tạo được lối riêng an toàn cho người đi bộ, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện còn mang tính tình thế, 'phong trào'… nên tồn tại bất cập. Theo các chuyên gia, TPHCM cần cân nhắc trước khi cho phép mở rộng, tránh tình trạng 'loạn' rào chắn, vừa gây tốn kém vừa rối đô thị.

Vấn nạn... leo vỉa hè!

Hiện nay, phần lớn người dân TPHCM vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân để đi lại khiến áp lực giao thông ngày một gia tăng, trong khi điều kiện hạ tầng lại hạn hẹp. Mỗi khi gặp cảnh ùn tắc, thay vì giữ trật tự, xếp hàng để di chuyển, nhiều xe máy, thậm chí cả ôtô lại chọn cách leo lên vỉa hè, tranh giành phần đường với người đi bộ để... thoát ùn tắc. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn gây nên ùn tắc hiện nay chính là ý thức của người tham gia giao thông. Hành vi đi xe máy, ôtô lên vỉa hè đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, phiền phức cho chính người dân.

Chuyên gia đô thị Nguyễn Minh Hòa phân tích, xe máy lao lên vỉa hè đã làm không gian lưu thông của người đi bộ bị thu hẹp và trở nên nguy hiểm. Điều này kéo theo tâm lý e ngại, khiến càng nhiều người, thay vì đi bộ lại chọn xe máy để di chuyển ngay cả với những quãng đường gần. "Có thể dễ nhận thấy một vòng lẩn quẩn: ngại đi bộ dẫn đến dùng xe cá nhân. Khi phương tiện ra đường nhiều thì áp lực tăng, ùn tắc giao thông tăng. Hễ cứ gặp ùn tắc là đua nhau leo lên vỉa hè tìm mọi cách thoát, gây nguy hiểm... khiến nhiều người không dám đi bộ" - ông nói.

Theo ông Hòa, hành vi đi xe máy lên vỉa hè không chỉ làm giao thông trở nên rối rắm mà còn khiến hạ tầng hư hại nghiêm trọng, tiêu tốn tiền của của xã hội vì liên tục phải sửa chữa, bảo trì. Không những thế, đây còn là hành vi bất chấp pháp luật, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả hệ lụy lên đời sống trật tự, an sinh xã hội. "Thói quen đi xe máy lên vỉa hè phải được xem là vấn nạn. Hiện tượng này cần được ngăn chặn và giải quyết triệt để càng sớm càng tốt" - ông Hòa nhấn mạnh.

Rào chắn trên nhiều tuyến đường phù hợp, tạo cảm giác thư thái cho người đi bộ

Rào chắn trên nhiều tuyến đường phù hợp, tạo cảm giác thư thái cho người đi bộ

Để giải quyết vấn đề này, nhiều năm qua thành phố đã cho lắp đặt rào chắn ngăn cách vỉa hè với lòng đường. Ông Hòa cho rằng, có thể xem đây là một giải pháp trong điều kiện hiện nay để hạn chế thói quen rất khó bỏ của nhiều người. "Một số tuyến đường đã áp dụng phương pháp này, cho thấy kết quả rất khả quan. Không gian đi bộ được bảo vệ tốt, tạo cảm giác an toàn, thoải mái nên thu hút được người dân tham gia. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải rà soát, phân loại các tuyến đường để biết nên hay không nên lắp rào chắn và lắp thế nào cho phù hợp" - ông lưu ý.

Lo ngại về rào chắn

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho biết, việc lắp đặt rào chắn ngăn cách lòng đường với vỉa hè trong thời điểm hiện tại là chủ trương đúng, nhưng lo ngại nếu thành phố không có biện pháp căn cơ, thỏa đáng, cứ áp dụng đại trà sẽ gây nên những phản ứng trái chiều. Thạc sĩ qui hoạch đô thị Nguyễn Vĩnh Nam đặt vấn đề: "Hiện nay, thương mại bám theo vỉa hè vẫn đang phát triển và là sinh kế của bộ phận không nhỏ người dân. Nếu lắp rào chắn trên các tuyến phố buôn bán sầm uất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của họ. Từ đó làm nảy sinh tâm lý chống đối, thậm chí có thể tự phá dỡ rào chắn mà cơ quan chức năng khó lòng bảo quản, kiểm soát được hết". Ông Nam nêu hai vấn đề cần giải quyết nếu muốn nhân rộng mô hình lắp đặt rào ngăn cách này. Thứ nhất là chỉ nên cho lắp đặt ở các tuyến đường thuần túy đi bộ, hoặc nơi có ít hoạt động kinh doanh thương mại. Thứ hai là việc lắp đặt phải bảo đảm yếu tố mỹ quan đô thị, được tính toán kỹ lưỡng, tại các điểm giao cắt cần chừa lối lên xuống cho xe lăn của người khuyết tật, xe đẩy trẻ em...

Bất chấp rào chắn, nhiều phương tiện vẫn tràn lên vỉa hè

Bất chấp rào chắn, nhiều phương tiện vẫn tràn lên vỉa hè

Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng, nếu chọn giải pháp lắp đặt rào chắn, điều trước tiên cần bảo đảm sự an toàn, văn minh và đặc biệt phải tiện lợi, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo ông Sanh, thực tế là không phải tuyến đường nào cũng có thể lắp đặt, hơn nữa nên chọn thiết kế phù hợp theo từng địa điểm để tránh tình trạng rối rắm, gây cản trở giao thông. "Có tuyến cần phải ứng dụng công nghệ ghi hình để phạt nguội các hành vi đi xe máy lên vỉa hè, lấn chiếm hè đường kinh doanh và việc xử phạt phải thật nghiêm. Các cơ quan chức năng của thành phố cũng đã nghĩ đến giải pháp này khi gần đây tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý trật tự đô thị bằng cách áp dụng phương tiện ghi hình để xử phạt. Điều này cho thấy rõ ràng còn có thêm những cách làm khác phù hợp để lựa chọn cho việc ngăn chặn tình trạng chạy xe trên vỉa hè, chứ không chỉ mỗi việc lắp đặt rào chắn..." - ông Sanh góp ý.

Sự rối rắm và tốn kém của một rào chắn vỉa hè ở Q5

Sự rối rắm và tốn kém của một rào chắn vỉa hè ở Q5

Việc lắp đặt rào chắn trên nhiều tuyến đường ở TPHCM đã cho thấy hiệu quả, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Quan trọng nhất là ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng cần phải tổ chức đánh giá, rà soát, phân loại các tuyến đường để có thể chọn lựa giải pháp một cách phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng vừa tốn kém lại lãng phí vì thiếu tác dụng. Vấn đề cơ bản hơn, chính quyền thành phố cần phải thường xuyên tăng cường tuyên truyền, vận động để người tham gia giao thông có ý thức, không những từ bỏ thói quen xấu lâu nay mà còn có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn vỉa hè.

Ý kiến người dân tại một số điểm lắp đặt rào chắn

Ông Nguyễn Lâm Nhân (ngụ đường Nguyễn Chí Thanh, Q5):

Gần 7 năm nay, kể từ khi chính quyền địa phương cho lắp rào chắn bằng thép ngăn cách vỉa hè tại đường Thuận Kiều và đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy), rốt cuộc không mấy ai vào đó để đi, ngược lại còn băng xuống lòng đường một cách nguy hiểm. Không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại cho lắp cái rào chắn theo kiểu "hầm hố" rất phản cảm, buộc người đi bộ phải len lỏi rất khó chịu. Đồng ý là khu vực này cần có rào chắn để ngăn không cho xe máy chạy lên vỉa hè, nhưng theo tôi chỉ cần một thành rào bao dọc phía ngoài là đủ rồi, vừa đơn giản thuận tiện lại tốn ít chi phí lắp đặt.

Chị Nguyễn Thị Thu (P.Bến Thành, Q1):

Hàng ngày tôi vẫn đi bộ qua các đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn (Q1). Trước đây nếu đi qua đây vào giờ tan tầm thì sẽ rất nguy hiểm, vì đường kẹt cứng, xe máy phóng ào ào lên giành lối của người đi bộ. Từ lúc khu này được gắn thanh inox ngăn không cho các phương tiện chạy lên vỉa hè, tôi hết sức yên tâm, nhiều người khác cũng vậy, nhất là khách du lịch, họ chọn đi dạo trên khu vực này rất đông. Tôi thấy thành phố cần nhân rộng giảp pháp này, vì rất đơn giản nhưng thực tế hiệu quả. Bên cạnh đó còn có thể cho gắn các tấm biển với nội dung nêu cao ý thức để nhằm hướng người dân đến việc xây dựng văn hóa giao thông được tốt hơn.

Anh Lê Triệu Lương (đường Điện Biên Phủ, Q3):

Nhiều đường phố ở trung tâm Q3 cho lắp rào chắn bảo vệ vỉa hè, phần nào đang mang lại tác dụng, thế nhưng việc ngăn cách này đã vô tình gây khó cho sinh hoạt của một số người dân. Rất vô lý khi tôi thấy có đường lắp rào chắn mà chỉ cho lọt người đi bộ, còn phương tiện hỗ trợ như xe lăn, xe nôi thì không qua được. Một số cửa hàng dọc đường lại gặp vô vàn khó khăn vì rào chắn giống như bờ tường ngăn cách không cho khách hàng tiếp cận...

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/can-phu-hop-va-dong-bo_162683.html