Lão nông dân thu tiền tỷ nhờ nuôi con 'thủy quái' được cánh đàn ông săn lùng
Nhờ nuôi con 'thủy quái' là đặc sản được nhiều người Việt, đặc biệt là cánh đàn ông săn lùng, đã giúp kinh tế nhiều gia đình khá giả, doanh thu tiền tỷ mỗi năm.
Là đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng, thịt béo thơm và lành, cá chình được coi là linh dược được cánh mày râu yêu thích. Cá chình được nuôi chủ yếu ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Ông Vi Nhật Quang, 72 tuổi, ngụ khu phố B, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá chình giống đem lại doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng.
Năm 2011, lão nông đầu tư 300 triệu đồng để cải tạo ao, mua con giống, thức ăn để nuôi cá chình, một loại đặc sản có giá trị cao.
Lúc đầu ông Quang thả 100.000 con giống, song quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn do ông chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm.
Không bỏ cuộc, ông Quang tìm tòi trên sách, báo, internet, đi thực tế học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn.
Dù cá có bị hao hụt, song sau 1 năm ông Quang thả nuôi, cá lớn với khoảng 10-15 con/kg, bán cho các hộ dân lân cận trong và ngoài tỉnh với giá từ 1,2 -1,3 triệu đồng.
Hiện, trang trại cá chình giống của ông Quang cung cấp trong và ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau… với khoảng 130.000 con cá giống/năm. Doanh thu hàng năm ước tính trên 1 tỷ đồng.
Ông Quang cho biết: “Để nuôi cá chình đạt hiệu quả, ao nuôi cá phải được xử lý đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn nước trong ao phải sạch mới thả giống.
Lưu ý cá được thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng. Cá chình giống lúc mới đem về còn rất nhỏ như sợi chỉ nên cho ăn trùng nước trong 45 ngày đầu, khi cá lớn mới cho ăn cá tạp xay nhỏ trộn với thức ăn dành riêng cho cá chình”.
Nhờ nuôi cá chình trong 13 năm qua đã giúp kinh tế gia đình ông Quang ngày càng khá giả. Kinh tế ổn định, ông Quang thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: “Ông Quang và vợ đều là hội viên hội cựu chiến binh. Bản thân ông Quang dù là thương binh, đã lớn tuổi nhưng hăng hái thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu, là điển hình về tấm gương tự lực, tự cường vươn lên trong Hội Cựu chiến binh huyện”.
Hay điển hình trường hợp ông Nguyễn Hữu Ánh (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, TP. Cà Mau , Cà Mau) thu lãi trên 1,5 tỷ đồng/năm nhờ nuôi đặc sản cá chình.
Ông Ánh kể, trước đây gia đình ông có nhiều năm canh tác lúa nhưng thu nhập bấp bênh. Thấy vậy, ông chuyển sang chăn nuôi cá bống tượng, cho thu nhập khá.
Năm 1999, nhờ một người quen giới thiệu, ông Ánh biết được mô hình nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế là ông quyết định đào 1 ao lớn, mua con giống về nuôi thử nghiệm.
Với 40 ao nuôi, ông Ánh thu hoạch luân phiên, đảm bảo có cá bán đều đặn. Hiện, mỗi năm ông bán trên 4 tấn cá chình.
Cá đạt trọng lượng 1 kg/con trở lên giá 550.000 đồng/kg; cá từ 700 - 900 gram/con giá 440.000 đồng/kg. Có những con cá chình to đã lên tới vài triệu đồng/con. Nhờ đó, ông thu lãi trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Cá chình có giá trị như vị thuốc, có thể sánh với yến sào, gân hươu. Ngoài tác dụng ”tráng dương bổ thận” cho cánh đàn ông, theo dân gian phụ nữ sinh nở ăn cá chình kho nghệ thì rất bổ và lành, mau lại sức, lợi sữa. Rượu pha mật cá chình cũng có tác dụng chữa bệnh đường ruột.
KHÁNH LINH (t/h Báo Kiên Giang, Thanh Niên, VietNamNet)