Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh và các địa chỉ đỏ tại Nghệ An
Bày tỏ lòng thành kính trước bậc tiền bối cách mạng và các anh hùng liệt sỹ, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nguyện hứa phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.
Tưởng niệm 92 năm ngày mất đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh (11/2/1931 - 11/2/2023), trong 2 ngày (9 và 10/2), Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương tưởng niệm tại nhà thờ đồng chí Trần Hữu Thiều và dâng hương tại một số địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cùng đi với đoàn. Tham gia đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh còn có: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nguyễn Xuân Thắng, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và huyện Can Lộc.
Đồng chí Trần Hữu Thiều, bí danh là Trần Lai, Nguyễn Trung Thiên, Trần Đình Thiều, sinh ngày 11/6/1906 trong một nhà nho nghèo ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh.
Ghi nhớ công ơn người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, đoàn công tác bày tỏ lòng thành kính, tri ân và nguyện hứa phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh ngày càng phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng mong muốn con cháu đồng chí Trần Hữu Thiều tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Đồng chí Trần Hữu Thiều tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội trong những ngày đầu tổ chức này thành lập. Năm 1927, đồng chí được chỉ định vào Ban chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An do Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức.
Sau sự kiện Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại Hà Tĩnh được thành lập vào cuối năm 1929, đầu năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều được Đông Dương cộng sản Đảng cử vào xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Tĩnh. Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị được tiến hành tại bến đò Thượng Trụ (Can Lộc), bao gồm đại biểu của các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh do đồng chí Trần Hữu Thiều làm bí thư.
Ngày 22/11/1930, trong khi đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Đại biểu tỉnh, đồng chí Trần Hữu Thiều bị địch vây bắt tại thôn Phù Minh (tổng Nội Ngoại, huyện Can Lộc). Biết đồng chí là người đứng đầu phong trào đấu tranh ở Hà Tĩnh, thực dân Pháp và Nam triều Hà Tĩnh không cần xin lệnh cấp trên đã đưa đồng chí về xử bắn tại thôn Phù Minh (huyện Can Lộc) vào ngày 11/2/1931.
Đồng chí Trần Hữu Thiều hy sinh lúc mới 25 tuổi.
Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh cũng đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào. Đây là nơi an nghỉ của gần 11.000 cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, những người con ưu tú của 47 tỉnh, thành trong cả nước đã hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào; trong đó, có 173 phần mộ liệt sỹ người Hà Tĩnh.
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào cũng là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào; là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc.
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào hiện có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên và quê; 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê.
Bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả, đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh nguyện hứa sẽ nỗ lực cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Cũng trong chương trình công tác, đoàn cũng đã đến dâng hương tại di tích Hiệu Yên Xuân - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn. Hiệu Yên Xuân trước đây thuộc làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Năm 1922, một nhóm “tâm giao” là những thanh niên yêu nước của làng như: Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm… đã góp vốn mở một cửa hiệu lấy tên là Hiệu Yên Xuân, chuyên bán thuốc Bắc, tạp hóa, may mặc; đồng thời làm nơi đi lại, tuyên truyền, nuôi dưỡng nguồn cán bộ cho cách mạng và xây dựng quỹ cho việc nghĩa.
Nhận thấy Yên Xuân là cơ sở cách mạng quan trọng, các đồng chí: Dương Đình Thúy, Nguyễn Phong Sắc đã về đây thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Anh Sơn.
Dịp này, đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh cũng trao tặng một số suất quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.