Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Hoàng Đình Giong là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, trong quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, dù bị địch bắt, tù đày, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Hoàng Đình Giong người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ, tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng.

Những ngày đầu hoạt động cách mạng, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường ở thị xã Cao Bằng, các huyện Hòa An và Hà Quảng. Những năm 1925-1926, đồng chí về Hà Nội, theo học Trường Bách nghệ và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

Năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) để bắt liên lạc và tham dự các lớp huấn luyện của Hội. Ngày 19-6-1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Với tư cách người phụ trách Hội ở Long Châu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã ra sức chỉ đạo xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Cao Bằng, chọn cử nhiều thanh niên đi đào tạo tại các lớp huấn luyện của Hội rồi lại đưa về hoạt động.

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: TTXVN

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: TTXVN

Vì vậy, cuối năm 1928, các cơ sở hội ở thị xã Cao Bằng và mỏ thiếc Tĩnh Túc đã được tổ chức. Đây là những cơ sở hội đầu tiên, tạo tiền đề cho phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Trong những năm 1928-1930, đồng chí Hoàng Đình Giong vừa là người lãnh đạo, vừa là giảng viên trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn đào tạo lý luận chính trị cho các đồng chí cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Long Châu. Tháng 12-1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc.

Ngày 1-4-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Với tư cách là Bí thư Chi bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, cơ sở đảng, phong trào cách mạng Cao Bằng không ngừng phát triển, từ 1 chi bộ Đảng, đến năm 1935 đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện của tỉnh Cao Bằng. Với những thành tích xuất sắc, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) vào tháng 3-1935 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi.

Sau Đại hội I của Đảng, đồng chí Hoàng Đình Giong trở về nước chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, sau đó xuống vùng duyên hải Bắc Bộ. Đồng chí bị thực dân Pháp săn lùng ráo riết và bị địch bắt tại Hàng Kênh (Hải Phòng) ngày 4-2-1936. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dọa nạt, dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn hết sức dã man, song chúng đều thất bại. Đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Đồng chí đã trả lời đanh thép trước mặt tên Chánh Sở Mật thám Hải Phòng rằng: “Chúng tôi sống và chiến đấu vì mục đích cao cả là đánh đuổi bọn xâm lược giành lại giang sơn, đất nước...”.

Không khuất phục được ý chí kiên trung của người cộng sản Hoàng Đình Giong, thực dân Pháp lại đưa đồng chí lên giam tại xà lim Cao Bằng và thường xuyên bị áp giải giữa Cao Bằng-Hải Phòng để đối chất với số đồng chí đã bị chúng bắt. Ngày 27-5-1936, đồng chí Hoàng Đình Giong bị tòa án thực dân đưa ra xét xử, kết án 5 năm tù. Sau phiên tòa, đồng chí bị đưa về Hà Nội lấy cung, sau đó bị đày lên nhà tù Sơn La năm 1937. Tại nhà tù Sơn La, cuối tháng 12-1939, đồng chí Hoàng Đình Giong tham gia thành lập chi bộ trong tù gồm 10 người do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư.

Sau khi chuyển đồng chí Hoàng Đình Giong từ Nhà tù Sơn La về Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), lên Nhà tù Bắc Mê (Hà Giang) rồi trở lại Nhà tù Sơn La, thực dân Pháp quyết định đưa đồng chí Hoàng Đình Giong đi đày biệt xứ tại đảo Madagascar, một thuộc địa xa xôi của Pháp ở châu Phi.

Tháng 10-1944, đồng chí thoát khỏi nhà tù đế quốc và trở về Cao Bằng tích cực hoạt động cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các châu trong tỉnh. Thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban Khởi nghĩa, lãnh đạo LLVT cùng với quần chúng nổi dậy, giành chính quyền cách mạng, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ nhân dân từ ngày 20 đến 22-8-1945. Ngày 30-9-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chính trị ủy viên bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược, với bí danh là Võ Đức (Vũ Đức). Nhằm thống nhất các LLVT trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) làm Chính ủy Quân Giải phóng Nam Bộ.

Đầu năm 1946, quân địch dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khmer chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo chống lại cách mạng. Trước tình hình phức tạp đó, đồng chí Hoàng Đình Giong đích thân đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh và đến Phước Long-nơi được coi là điểm nóng. Đồng chí đã phân tích, giải thích cho cán bộ cơ sở, tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, trong đồng bào người Việt và người Khmer về âm mưu thâm độc của kẻ thù. Bằng lý luận và thực tiễn chiến đấu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương khác nhau tại chiến trường Khu 9 và sau này là Khu 6. Đồng chí đã thể hiện được vai trò của một Khu bộ trưởng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng thống nhất LLVT Nam Bộ, xây dựng căn cứ địa U Minh; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là với đồng bào Khmer, để chiến đấu chống kẻ thù.

Cuối năm 1946, đồng chí Vũ Đức ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Khi đến Ninh Thuận, đồng chí được Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy xây dựng các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí Hoàng Đình Giong chiến đấu và anh dũng hy sinh giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy. Với tấm lòng tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo chiến khu đã quyết định mai táng đồng chí ngay tại trụ sở chiến khu, dưới chân núi Thiên Thai, tỉnh Ninh Thuận.

Đồng chí Hoàng Đình Giong hy sinh ở tuổi 43, nhưng đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Đồng chí đã đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở bất kỳ cương vị nào, với bản lĩnh của một vị chỉ huy quân sự tài tình, khéo léo, bằng trí tuệ mẫn tiệp, sáng suốt, đồng chí đã vạch ra những chủ trương đấu tranh đúng đắn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó; đồng thời, đồng chí Hoàng Đình Giong cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp, bản lĩnh của một vị “tướng quân tại ngoại” và thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Thượng tá, ThS PHẠM THANH TUẤN, Trưởng ban Biên tập xuất bản, Phòng Khoa học quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/lanh-dao-tien-boi-tieu-bieu-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-779233