Làng nghề ươm tơ Cổ Chất thấp thỏm nỗi lo thất truyền
Không chỉ nổi tiếng bởi bề dày lịch sử, làng nghề ươm tơ Cổ Chất còn là một trong những nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nhất đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng những năm gần đây, cả làng luôn thấp thỏm về nguy cơ thất truyền của nghề; đặc biệt sau khi trải qua đại dịch Covid-19.
Nằm nép mình bên con sông Ninh thơ mộng, làng nghề ươm tơ Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) hiện lên một vẻ hiền hòa, bình dị và xưa cũ của vùng đất Thành Nam.
“Nam Định có bến Đò Chè. Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”
Đã từ lâu, nghề ươm tơ đã đi vào trong những câu ca dao xưa như một minh chứng rõ nét về một địa danh sinh nên sản vật quý báu.
Dạo quanh ngôi làng, tiếng lạch cạch từ những cỗ máy kéo tơ vang lên thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn của người dân nơi đây. Ngoài những bó tơ trắng óng được treo khắp trên các thanh xà bắc ngang lối trong ngõ, trên sân thượng; hình ảnh các bà, các mẹ miệt mài, tỉ mỉ trong từng giai đoạn ươm tơ đã trở thành nét đẹp đặc biệt cho làng nghề trăm tuổi.
Những hình ảnh quen thuộc tại làng ươm tơ Cổ Chất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề ươm tơ có sự thay đổi rõ rệt. Những bóng dáng người phụ nữ, những căn nhà ươm tơ dần thưa thớt. Hỏi thăm người dân, được biết tầm 10 năm về trước, hầu như nhà nào thuộc làng Cổ Chất đều làm nghề ươm tơ. Theo thời gian, số lượng hộ gia đình bỏ nghề tăng dần. Đỉnh điểm từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, số nhà còn “bám rễ” với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mặc dù, nhiều hộ gia đình luôn có ý thức giữ gìn truyền thống, song cũng đành đi tới quyết định từ bỏ vì nhiều lý do.
Bà Thái, một người từng bỏ nghề nhiều năm nói: “Ngày xưa cả làng, 500 - 600 nhà đều làm hết. Vì xưa họ nuôi nhiều tằm, còn bây giờ không ai nuôi mấy. Giờ đây, cả xung quanh chợ rộng như vậy mà cũng chỉ còn mỗi 3-4 gia đình ươm”.
Để ươm được tơ, người dân bắt buộc phải nhập được kén về. Nguồn hàng nhập chủ yếu đến từ các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa… Hiện nay, các nguồn hàng ngày càng khan hiếm do nghề nuôi kén cũng đang bị mai một.
Không thể bám duyên, bà Thái quyết định truyền lại nghề cho các con, trong đó có chị Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1986).
Làm nghề ươm tơ đến nay được hơn 20 năm, theo thời gian dần mai một, đến nay gia đình chị Yến chỉ còn tồn tại 2 bếp ươm tơ.
Chị Yến có 2 người con, ai cũng đều làm việc tại Hà Nội và không muốn theo nghề này. Dù là một người rất yêu và luôn mong muốn gia đình có người nối tiếp nghề, nhưng chị hiểu và sẵn sàng chấp nhận thời cuộc.
“Làm nghề này rất khó khăn, giờ con cái lớn rồi, cho đi làm nghề con thích. Làm cha mẹ, chẳng ai lại bắt ép con chỉ ngồi trong cái bếp nóng nực này cả”, chị Yến tâm sự.
Trong gian bếp đơn sơ nhà chị Yến, những thợ ươm tơ liền tay làm việc với cái nóng luôn bủa quanh. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè, bên trong bếp vẫn nghi ngút những làn khói bốc lên từ nồi nước sôi luộc kén. Phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, đó là một trong những lý do khiến người dân bỏ nghề và đi làm công ty.
Những người thợ nghề lớn tuổi làm việc cho gia đình chị Yến.
Tương tự, cơ sở ươm tơ của cô Phạm Thị Loan (sinh năm 1966) cũng khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp kén và thêm vào đó là vấn đề trong khâu tìm nhân lực. Hiện nay, cô Loan có 3 cơ sở ươm tơ trong làng còn hoạt động, nhưng luôn đối mặt với nỗi lo thiếu người làm, máy ươm phải bỏ trống.
Cô Phạm Thị Loan chia sẻ: “Bây giờ sinh ra nhiều công ty, lớp trẻ lại chuộng đi làm công ty nhiều hơn vì lương cao hơn. Mà giờ chúng tôi trả lương cao thì lại không đáp ứng được ngày công”.
Đỉnh điểm ngày trước, các cơ sở của cô Loan có lên đến 50 thợ nghề. Giờ đây, con số rút xuống chỉ còn khoảng 10 người.
Đối với người phụ nữ này, nghề ươm tơ là một nghề đẹp và cao quý. Bởi lẽ, nhờ những con kén, sợi tơ; cô đã nuôi sống gia đình và giúp các con được ăn học đầy đủ. Không những vậy, nghề ươm tơ còn tạo điều kiện cho bà con làng Cổ Chất có công ăn việc làm.
Chạy theo dòng thời gian, cô Loan cũng như bao chủ nghề khác phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm được người biết ươm tơ và “chịu” làm. Giống cô Yến, các con cô Loan cũng không còn quan tâm tới nghề. Không truyền nghề được cho ai, cô Loan lo lắng sợ phải dừng hẳn khi về già.
Đến với gian bếp của cô Phạm Hồng The (sinh năm 1970), những người phụ nữ đang miệt mài làm việc bên lò luộc kén. Những đôi tay liên tục khuấy đũa, đảo kén, đưa đẩy những sợi tơ mỏng manh từ kén tằm cuốn vào guồng tơ quay tít. Trong cái guồng quay bận rộn như vậy, những nụ cười tươi vẫn nở rộ trên môi.
Đối với họ, ở tuổi sức không còn nhiều, được giữ gìn nghề thủ công đã có hàng trăm năm tuổi chính là niềm hạnh phúc. Khi được hỏi có sợ nghề bị thất truyền không, ai cũng mang một niềm tin rằng đó là điều không thể xảy ra.
Tâm huyết và cố gắng giữ lửa với nghề, cô The luôn đối mặt với những khó khăn về đầu ra, đầu vào.
Cô The giữ vững quan niệm: “Đối với những nghề truyền thống như này, có thể mai một nhưng không thể biến mất hẳn”. Mặc dù là một trong những chủ hộ ươm tơ nhiều nhất làng, cô The đến nay vẫn luôn đau đầu vì giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm. Những ai muốn bám nghề phải vô cùng vất vả để tìm kiếm nguồn nguyên liệu lẫn thị trường.
Làng nghề ươm tơ nổi tiếng đứng trước nguy cơ thất truyền.
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cả làng ươm tơ Cổ Chất đứng trên thử thách khốc liệt. Ai không đủ kiên nhẫn, mặn mà với nghề đều đã từ bỏ. Những người còn duyên với nghề thì đứng trước sự xuống dốc của giá thành, đối mặt với việc tìm đầu ra. Bởi lẽ, tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra nhiều nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan và cả Trung Quốc.
Đặc biệt, với tình trạng người làm nghề đa phần chỉ có phụ nữ và người già, lớp trẻ không còn mấy quan tâm, nghề ươm tơ có thể sẽ không còn ai làm nữa nếu như lớp người này không còn. Cũng vì thế, làng nghề ươm tơ nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm của Nam Định luôn đứng trước nguy cơ thất truyền.