Làn sóng lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu
Chịu tác động từ chính sách thuế và thị giá cổ phiếu giảm sâu khiến làn sóng bán giải chấp đang âm thầm lan rộng, kéo theo loạt lãnh đạo cấp cao và người nhà buộc phải bán ra hàng triệu cổ phiếu để xử lý áp lực tài chính...

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây chứng kiến làn sóng bán giải chấp lan rộng, đặc biệt là ở nhóm bất động sản và xây dựng. Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngay cả những người ở “tuyến đầu” như lãnh đạo doanh nghiệp và người thân cũng không thoát khỏi sức ép này.
Điển hình nhất là Gia đình Chủ tịch Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG) vừa trải qua biến cố lớn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng gần 22,5 triệu cổ phiếu DIG – tương đương gần 3,7% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Cụ thể, ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIG cùng em gái là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ tịch) và mẹ ruột là bà Lê Thị Hà Thành lần lượt bị bán giải chấp hơn 17,6 triệu, 1,7 triệu và gần 3,2 triệu cổ phiếu DIG.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Cường giảm từ 13,56% (hơn 82,7 triệu cổ phiếu) còn 10,67% (gần 65,1 triệu cổ phiếu). Bà Huyền hạ tỷ lệ nắm giữ từ 2,98% (18,2 triệu cổ phiếu) xuống còn 2,7% (16,5 triệu cổ phiếu); còn bà Thành hiện sở hữu 2,89% (17,6 triệu cổ phiếu), giảm từ mức 3,4% (20,8 triệu cổ phiếu) trước đó.
Động thái bán giải chấp diễn ra sau chuỗi ngày cổ phiếu DIG lao dốc mạnh từ vùng giá gần 20.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi kể từ phiên 10/4. Đến phiên ngày 22/4, DIG đóng cửa ở mức 14.200 đồng/cổ phiếu.
Trước biến động này, ông Nguyễn Hùng Cường lên tiếng trấn an cổ đông, khẳng định bản thân và gia đình vẫn cam kết đồng hành cùng DIG, thậm chí sẽ gia tăng sở hữu trong thời gian tới để tiếp tục đồng hành và hiện thực hóa chiến lược phát triển đã đề ra.
Không riêng gì DIG, làn sóng giải chấp còn lan sang cả Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR). Trong ngày 10/4, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị PDR đã bị bán giải chấp hơn 1,6 triệu cổ phiếu, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 38,34% (334,7 triệu cổ phiếu) xuống 38,15% (hơn 333 triệu cổ phiếu).
Cùng thời điểm, Công ty TNHH Phát Đạt Holdings – tổ chức do ông Đạt làm Chủ tịch Hội đồng thành viên – cũng bị bán giải chấp 880.000 cổ phiếu PDR, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,15% (79,9 triệu cổ phiếu) xuống còn 9,05% (79 triệu cổ phiếu).
Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (mã chứng khoán: EVS) vừa công bố kế hoạch bán giải chấp 1 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng TRACODI (mã chứng khoán: TCD) đứng tên bà Nguyễn Xuân Lan – vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị TCD, ông Nguyễn Thanh Hùng.
Lệnh bán giải chấp dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 13/5. Theo thông báo, EVS nhấn mạnh, không phụ thuộc vào việc phát hành thông báo này, EVS có quyền xem xét dừng thực hiện việc bán giải chấp chứng khoán tùy thuộc vào tình hình diễn biến thị trường và quy định của EVS mà không có thông báo ra công chúng về việc dừng thực hiện bán giải chấp. Bên cạnh đó, số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, thực tế có thể ít hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo.
Dữ liệu từ báo cáo quản trị năm 2024 cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, bà Nguyễn Xuân Lan đang nắm giữ gần 2,4 triệu cổ phiếu TCD, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,71%. Nếu kế hoạch bán giải chấp được triển khai như dự kiến, lượng cổ phần còn lại của bà Lan sẽ giảm xuống còn khoảng 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương 0,41% vốn điều lệ TCD.
Một trường hợp đáng chú ý là bà Đỗ Thị In – mẹ ruột ông Đồng Hải Hà, Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Cổ phần BCG Energy (mã chứng khoán: BGE) đã bán sạch 2 triệu cổ phiếu BGE vào ngày 10/4 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Số cổ phiếu này tương đương khoảng 0,27% vốn điều lệ của công ty.
Mặc dù không trực tiếp sở hữu cổ phần tại BGE, ông Đồng Hải Hà vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Bamboo Capital khi đang giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát tại BGE và tập đoàn mẹ Bamboo Capital. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại các công ty thành viên như BCG Land, Tipharco, Tracodi E&C, Phát triển Nguyễn Hoàng, cũng như là Phó Chủ tịch hoặc Thành viên Hội đồng thành viên tại một loạt doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong cùng hệ thống.
Khép phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu BGE dừng ở mức 3.500 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, thương vụ bán ra của bà In ước tính mang lại khoảng 7 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, ông Đặng Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu AVC theo phương thức thỏa thuận, thời gian dự kiến từ ngày 17/4 đến 15/5/2025.
Đáng chú ý, hai người con của ông Bình là bà Đặng Thị Lan Ngọc và ông Đặng Ngọc Hoàng cũng đồng thời đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu mỗi người trong cùng khoảng thời gian. Cả ba giao dịch đều mang mua thỏa thuận từ người trong gia đình
Trước giao dịch, bà Ngọc và ông Hoàng chưa nắm giữ cổ phần nào tại AVC. Nếu giao dịch được thực hiện trọn vẹn, mỗi người sẽ trở thành cổ đông sở hữu 1,3% vốn điều lệ của công ty thủy điện này.
Tạm tính theo mức giá chốt phiên ngày 15/4 là 56.900 đồng/cổ phiếu, thương vụ chuyển nhượng nội bộ của gia đình ông Bình có giá trị khoảng 114 tỷ đồng. Như vậy, mỗi người con dự kiến phải chi khoảng 56,9 tỷ đồng để hoàn tất việc mua cổ phần từ cha mình.