Làm xanh, sạch các dòng sông

Nhiều con sông ở Huế đã xanh, sạch đẹp hơn nhưng chỉ được ở vùng nội đô. Các con sông quê và ven đô hiện nay đang dùng dằng không chảy vì nạn bèo tây (bèo lục bình), rác xâm lấn…

 Vẻ đẹp trong xanh của Sông Hương

Vẻ đẹp trong xanh của Sông Hương

Nỗi lo bèo tây

Nếu bây giờ bình chọn các dòng sông xanh, sạch, đẹp ở Huế, tôi chỉ thấy có sông Hương, nhiều đoạn sông An Cựu, Kẻ Vạn và Đông Ba. Số còn lại phần lớn các sông quê và ven đô vẫn chưa xanh, sạch; nhiều đoạn đang ngập đầy bèo tây, bốc mùi hôi làm mất vẻ mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường.

Đơn cử tại thời điểm này trên sông Như Ý qua phường Thủy Vân (TP. Huế) hay xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) nhiều đoạn bèo tây phát triển, cùng rác vây kín mặt sông. Nắng nóng cùng với mùi nước sông đầy bèo, rác bốc lên làm cho những người khách lần đầu ghé đến đều cảm thấy khó chịu.

Tại sông Đại Giang đoạn qua xã Phú Lương tiếp giáp với thị trấn Phú Đa (Phú Vang) bèo tây nổi lềnh bềnh, nhiều đoạn đã kín mặt sông làm cho ghe thuyền đánh bắt cá tôm gặp khó khăn. Từ cầu Phú Thứ chúng tôi theo hướng về các xã Phú Gia, Vinh Hà (Phú Vang). Dọc trên tuyến này, nhiều sông hói dẫn nước vào đồng ruộng đã rợp dày bèo tây, không thấy được mặt nước. Tình trạng bèo dày đặc làm tê liệt các sông, không chỉ gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đường thủy mà cá, tôm cũng ít dần vì thiếu ô-xy. Lo hơn, sắp đến nếu lũ về bèo tấn công vào ruộng thì khổ cho bà con nông dân.

Ông Hồ Văn Quyết, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa (Phú Vang) cho biết, nguyên nhân bèo tây xuất hiện trên sông Đại Giang và các kênh rạch qua địa phương do phía thượng nguồn các sông lớn nhiều bèo nhưng không trục vớt. Khi thời tiết thay đổi, trở gió, bèo di chuyển về khu vực sông Đại Giang qua địa bàn Phú Đa nhiều hơn. “Nhiều năm nay, bèo tây là vấn nạn làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Phú Đa. Chính quyền địa phương năm nào, mùa nào cũng được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện để huy động toàn dân ra quân trục vớt, xử lý bèo nhưng cũng làm không xuể" - ông Quyết nói.

Để xanh những dòng sông

Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện các mô hình, dự án hay lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường giúp nhiều con sông, đoạn sông qua các địa phương sạch rác, vơi bèo. Hơn nữa, khi phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ra đời, đồng thời hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động bảo vệ môi trường hàng năm, từ cán bộ hội, đoàn, chính quyền, người dân tham gia không chỉ vệ sinh đường thôn sạch rác, mà các kênh, hói trên địa bàn còn được khơi thông, nạn bèo tây trên sông cũng được trục vớt, xử lý đáng kể…

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) nên đồng loạt các địa phương tổ chức ra quân trục vớt, xử lý bèo tây trên các sông, trong đó, tập trung tại các sông, hói khu vực có nhiều bèo tây không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, sản xuất, canh tác của người dân…

Theo lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy, hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 và thực hiện Kết luận của UBND tỉnh, tại các xã, phường: Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Phù, Thủy Lương, Thủy Tân phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng thực hiện trục vớt, xử lý bèo trên các tuyến sông, hói… kết hợp với ra quân Ngày Chủ nhật xanh thu về hàng trăm tấn bèo tây tươi. Cùng với TX. Hương Thủy, công tác trục vớt, xử lý bèo cũng được huyện, thị Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền… chỉ đạo các xã, phường có sông, hói ra quân vớt bèo, vệ sinh thu gom rác thải ở các khu vực lân cận.

Một đơn vị được người dân tin yêu, góp phần làm cho môi trường xanh sạch cho địa phương là Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO). Bằng sự cam kết hợp tác theo dịch vụ, HEPCO đã chủ động triển khai, chia ca kíp theo lịch cố định 2-3 lần/tuần để trục vớt, xử lý bèo tây triệt để trên các con sông ở TP. Huế và vùng ven đô. Nhờ đó, nhiều con sông Huế ngày càng trong xanh hơn.

Lãnh đạo HEPCO chia sẻ: “Việc xử lý rác, bèo tây trên các khu vực sông, hói do đơn vị cam kết đảm trách. Công ty chỉ phối hợp, hỗ trợ với các địa phương, nhất là thời điểm bí bách, gặp thiên tai lũ bão…”.

Thực tế hiện nay do khó khăn về nguồn lực (nhân lực, kinh phí) thực hiện trục vớt, xử lý bèo, rác thải trên các dòng sông chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tạo thành phong trào rộng lớn và thường xuyên trong cộng đồng. Phần lớn các địa phương chỉ làm theo tinh thần tự phát, cũng như chờ sự hỗ trợ, phát động từ các ban, ngành chức năng liên quan cấp trên.

Theo các chuyên gia, để các dòng sông Huế ngày càng thêm trong xanh, việc tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” phải mang tầm rộng lớn, không chỉ theo phong trào. Mỗi khi ra quân cần phải tính toán việc trục vớt, xử lý bèo triệt để. Hơn nữa, để mỗi ngày có thêm những “con sông xanh đẹp”, không rác, sạch bèo cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư khác nhau. Quá trình triển khai nên tham kiến thêm các chuyên môn, nhà khoa học chuyên ngành; không làm dàn trải mà nên đầu tư từng đoạn, từng tuyến. Sau đó có đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình và giao cho thôn, tổ dân phố, địa phương có dòng sông đi qua quản lý, cam kết duy trì làm sạch đẹp hơn...

Bài, ảnh: SONG MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/lam-xanh-sach-cac-dong-song-142050.html