Làm thế nào nâng cao chất lượng đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế?
Hoạt động hướng dẫn thực hành, học tập trong chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề cấp bách đang đặt ra cho các đơn vị đào tạo.
Hội thảo “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại TP.HCM” vừa được Học viện Tư pháp tổ chức vào ngày 24/10.
Thiếu nhân lực hướng dẫn thực hành
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại TP.HCM” vừa được Học viện Tư pháp tổ chức, Tiến sĩ Đồng Thị Kim Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm Liên kết Đào tạo luật sư thương mại Quốc tế (Trung tâm) cho biết, chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế của Học viện Tư pháp là nhằm thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là nhiệm vụ chính trị mới bên cạnh nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo nghề luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2016, đơn vị này đã xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác trong các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đào tạo nghề luật sư mới này.
Đáng chú ý, trong hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp thuộc chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, thời lượng các giờ học thực hành hiện có tỷ lệ tới 60-70% trong các môn học. Không chỉ vậy, ngoài giờ học trên lớp, các giảng viên cơ hữu/ thỉnh giảng cũng chú trọng nhiệm vụ cố vấn học tập cho học viên, cũng như theo dõi, giám sát, định hướng các hoạt động hướng nghiệp tích cực cho học viên.
Mặc dù vậy, hoạt động hướng dẫn thực hành, học tập trong chương trình cũng đang gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Điển hình, việc bố trí giảng viên còn gặp khó khăn là do Trung tâm hiện chỉ có 2 giảng viên cơ hữu và 1 - 2 giảng viên cơ hữu khác của Khoa Đào tạo Luật sư (các giảng viên này đều kiêm nhiệm công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị).
Trong khi đó, các luật sư, chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh doanh và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài số lượng không nhiều, lại không có nhiều thời gian dành cho hoạt động giảng dạy.
“Cho dù các giảng viên đều nhiệt tình, có trách nhiệm chuẩn bị bài giảng, tài liệu theo đề nghị của Trung tâm, nhưng họ chỉ thường nhận lời tham gia họp bộ môn, ra đề thi, chấm thi và các hoạt động khác… vì lý do không có thời gian. Thêm nữa, đối với một số bài giảng, Trung tâm đã phải điều chỉnh lịch giảng theo yêu cầu của các giảng viên luật sư để đảm bảo có sự tham gia của các luật sư có uy tín. Điều này dẫn đến việc đảm bảo đúng thời khóa biểu của một số môn học phải điều chỉnh” - TS. Đồng Thị Kim Thoa nói.
Chuyên gia hiến kế gỡ khó
Nhằm nâng cao chất lượng hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của học viên trong chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, TS. Đồng Thị Kim Thoa cho rằng, điều cần thiết đầu tiên là cần xác định rõ và nhất quán định hướng chung của Học viện Tư pháp trong chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Theo đó, định hướng được đề ra là phấn đấu toàn hệ thống đề cao tiêu chí chất lượng, hiệu quả, đồng thời tích cực ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại khác trong tất cả các hoạt động cụ thể để từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong đào tạo. Song song đó, đơn vị cũng cần tiếp tục cải tiến nội dung chương trình bằng việc sửa đổi chương trình chi tiết năm 2019, tiến tới đề nghị Bộ Tư pháp sửa đổi chương trình khung từ năm 2021.
Bên cạnh đó, để chương trình đào tạo thực sự có hiệu quả cao thì đơn vị đào tạo cũng cần tiếp tục tăng cường các phương pháp giảng dạy theo tình huống, hồ sơ thực tế, phương pháp đóng vai, diễn án. Đặc biệt là đầu tư hơn nữa phát triển hoạt động dạy - học theo phương pháp hỗn hợp, phương pháp trải nghiệm trong môi trường học tập năng động, tích cực ở nước ta.
Riêng đối với các khóa đào tạo tại TP.HCM, TS. Thoa đề xuất tăng cường cơ chế phối hợp giữa Trung tâm (cơ sở TP.HCM) và các đơn vị liên quan của Học viện Tư pháp trong hoạt động giảng dạy, quản lý và đánh giá học viên. Ngoài ra, cần chú trọng, sát sao kế hoạch mời giảng, thu xếp lịch giảng cho giảng viên từ Hà Nội vào, cũng như giảng viên đang công tác tại TP.HCM.
“Học viện Tư pháp cần kiến nghị Bộ Tư pháp triển khai việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 123 của Chính phủ về phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Từ đó có định hướng và giải pháp cụ thể làm cơ sở cho việc phát triển chương trình đào tạo luật sư hội nhập quốc tế của Học viện Tư pháp” - TS. Thoa đề xuất thêm.
Liên quan đến đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tư Pháp cho rằng, Học viện Tư pháp cần quan tâm đầu tư thêm trang thiết bị (mỗi học viên một máy tính kết nối mạng như cơ sở ở Hà Nội) và quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, Học viên cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về chương trình, đảm bảo tính bền vững của chương trình đào tạo hiệu quả này.