Làm sao để chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả?
Những năm gần đây, cơ quan y tế của Việt Nam đã không ít lần phải lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của nhiều loại thuốc giả trên thị trường.
Nhiều loại thuốc bị làm giả
Tại Khoản 33, Điều 2, Luật Dược 2016 quy định, thuốc giả là loại thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau: Không có dược chất, dược liệu, có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm thuốc đều có nguy cơ bị làm giả. Từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus… Với công nghệ tinh vi, các thuốc giả này có thể được sản xuất với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà bệnh nhân rất khó phát hiện.
Thời gian qua, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả. Điển hình như đầu tháng 7/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do ông Q.N.N (55 tuổi, ngụ tại phường 11, quận 10, TP.HCM) cầm đầu.
Qua khám xét, công an phát hiện số lượng lớn thuốc ghi các nhãn hiệu nổi tiếng, dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp… Bước đầu, những người này khai nhận mua thuốc từ các công ty dược ở trong nước sản xuất, sau đó về thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao.
Cũng trong tháng 7/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500 mg; Cefodoxim 200 mg, Cefixin 200 mg, Cefixim 100 mg, Esomeprazol 40 mg, Fluconazol 150.
Gần đây nhất, vào ngày 30/7/2024, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả xuất hiện tại một số cơ sở bán lẻ ở nhiều địa phương. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm nghiệm hai tỉnh Thanh Hóa và Bình Dương phát hiện mẫu thuốc kháng sinh Cefixime 200, số lô 04200623 và 28201123 không đạt yêu cầu chất lượng.
ThS. Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương cho biết, trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, do lợi nhuận từ việc kinh doanh thuốc giả rất lớn, nên những kẻ sản xuất càng sử dụng những kỹ thuật tinh vi, việc phát hiện trở nên khó hơn. Thuốc giả, kém chất lượng chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, hoặc chỉ khi chính những nhà sản xuất đem so sánh với thuốc thật của mình.
Những hệ lụy khôn lường
Nạn thuốc giả hoành hành gây nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn rất nhiều tiền để mua thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bệnh.
Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị, vì nó có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị. Trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, kháng sinh, mà dùng phải thuốc giả, thì thời điểm vàng để cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả chất độc, thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
Về phía người dùng, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên người dân nên mua thuốc tại địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng Internet tại các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.
Trước vấn nạn thuốc giả, thuốc “nhái”, ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo.
Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Chương I Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Mục 2 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt từ 2-140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10-200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc), mức phạt với tổ chức vi phạm là gấp hai lần.
Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, cá nhân phạm tội tùy theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; giá trị của hàng hóa tính theo giá bán; giá trị hàng hóa tính theo giá trị của hàng thật; tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; có gây ra chết người hay không... mà có thể phải đối mặt mức án từ 2-20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1-20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.