Lạm phát tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu 'đứng ngồi không yên'

Tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn cầu đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày và đồ gỗ xuất khẩu đang 'đứng ngồi không yên' trước tình trạng đơn hàng liên tục giảm sút.

Đều đặn mỗi tháng trước đây, công ty may chuyên sản xuất quần áo thời trang tại Đồng Nai do chị Thái Minh quản lý nhận được đơn đặt hàng mới 80.000 - 100.000 sản phẩm từ đối tác Mỹ. Nhờ đó cộng dồn doanh nghiệp này "full" đơn hàng tới hết tháng 10. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, đơn hàng nhận mới bắt đầu chững lại, số lượng giảm 20-30% so với trước.

Tình trạng này, theo chị Minh sẽ chưa cải thiện trong ngắn hạn nếu thông tin về lạm phát tại Mỹ không khả quan, người dân tiếp tục siết chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu.

Sức mua tại nhiều thị trường giảm sút do ảnh hưởng của lạm phát tác động lớn đến một số ngành hàng xuất khẩu Việt Nam.

"Chúng tôi đang xúc tiến chào hàng sang Canada, Mexico - các nước trong khu vực Bắc Mỹ có nhiều đặc điểm tiêu dùng tương đồng. Hy vọng có được vài hợp đồng mới cho mùa vụ cuối năm", chị Minh chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 3 và 4.

Sau nửa đầu năm tương đối “thuận buồm xuôi gió”, nửa cuối năm ngành sản xuất, xuất khẩu da giày của Việt Nam cũng đối mặt không ít khó khăn khi tình trạng lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ tăng cao.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước cho biết, tình hình thị trường nửa đầu năm khá khả quan, song nửa cuối năm thị trường sẽ chậm lại. Tháng 9, 10 sẽ là “vùng trũng” của đơn hàng.

“Trước đây DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1 - 2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2-3 tháng. Hiện nay DN cũng như nhiều DN khác trong ngành da giày đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu”, vị này nói.

Theo đánh giá của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, ngành da giày phải đối mặt với nhiều thách thức. Khảo sát từ các DN và các nhãn hàng cho thấy, từ nay đến quý 1/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.

Tương tự với dệt may và da giày, nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đang “điêu đứng” vì bị đột ngột hủy đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), là chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết từ đơn hàng xuất khẩu đầy ắp của 6 tháng đầu năm đã đột ngột quay đầu giảm từ tháng 7 vừa qua với mức giảm trên 30%.

Không riêng Viet Products bị giảm đơn hàng đột ngột vì lạm phát cao khiến sức mua thị trường yếu vì đồ gỗ không nằm trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay mà theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, trong một cuộc khảo sát của 52 doanh nghiệp hội viên của hội gần đây cho thấy có đến 47 doanh nghiệp cho biết đơn hàng xuất khẩu đang bị sụt giảm.

Đáng chú ý có đến 14 doanh nghiệp cho biết bị giảm 70 - 90% đơn hàng; và mức giảm chiếm đa số là từ 30-60% với 18 doanh nghiệp; trong khi đó có 15 doanh nghiệp bị giảm từ 10-30%. Chỉ có 5 doanh nghiệp được khảo sát cho biết đơn hàng tiếp tục tăng từ 10-30%.

Bên cạnh tình trạng sụt giảm đơn hàng mới, doanh nghiệp còn bị khách hủy hoặc giảm số lượng đơn hàng đã đặt trước. Nhà nhập khẩu đã yêu cầu tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đặt từ mùa trước, dù doanh nghiệp trong nước đang thực hiện kế hoạch sản xuất.

Trước thực trạng khó khăn trong xuất khẩu và thiếu hụt đơn hàng, đại diện các Hiệp hội đều có chung đề xuất đối với phía ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp... Đồng thời đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỷ đồng để DN có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Cần thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ DN xuất khẩu.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lam-phat-tang-cao-doanh-nghiep-xuat-khau-dung-ngoi-khong-yen-663649.html