5 khó khăn của ngành Vật liệu xây dựng

Trong những năm gần đây, ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

VLXD bao gồm xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và các loại vật liệu xây dựng khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước.

Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị Bất động sản – Xây dựng – VLXD, ngành VLXD liên quan mật thiết đến các ngành tại mắt xích phía trên và nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô khi các ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, thị trường VLXD bắt đầu ảm đạm ngay sau khi những tín hiệu xấu trên thị trường bất động sản xuất hiện. Bất chấp những nỗ lực vực dậy thị trường từ các bên liên quan trong năm 2023, nhiều dự án, công trình chậm triển khai, nhu cầu thị trường giảm khiến nhiều doanh nghiệp VLXD tiếp tục một năm kinh doanh kém hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, thậm chí một số doanh nghiệp buộc phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.

Theo khảo sát về kết quả kinh doanh của nhóm công ty đại chúng ngành VLXD được thực hiện bởi Vietnam Report cho thấy, cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều giảm trong năm 2023. Cụ thể, về doanh thu, có đến 46,9% số doanh nghiệp có tổng doanh thu giảm dưới 25,0%, đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu giảm sâu trên 25% lên tới 31,6%. Lợi nhuận của các doanh nghiệp lại có gam màu tối hơn nữa khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lớn hơn 25,0% tiếp tục gia tăng, trong khi tỷ lệ này của các năm trước cũng đáng báo động. Đáng chú ý, trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tăng 23,8% so với năm 2022.

Mới đây, qua đánh giá của các bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành VLXD cho thấy có 05 khó khăn chủ yếu sau:

Một là, cơ chế, chính sách để phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng còn có khoảng cách so với thực tiễn; phản ứng chính sách còn chưa kịp thời với các vấn đề phát sinh, cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các diễn biến nhanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành cụ thể.

Hai là, chi phí nhiên liệu than, dầu FO, khí nén thiên nhiên (CNG), khí gas hóa lỏng (LPG) và điện tăng cao.

Các nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi, đá sét, phụ gia làm xi măng; cát trắng silic, đá vôi, đolomit làm kính; cao lanh, tràng thạch làm gạch ốp lát, sứ vệ sinh; cát để sản xuất vật liệu xây không nung, nguyên liệu đầu vào làm thép vẫn còn gặp khó khăn, có lúc chưa bảo đảm đủ ổn định để sản xuất.

Ba là, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, thị trường bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ.

Chi phí vận tải tăng cao; xuất khẩu clanhke, các sản phẩm vật liệu xây dựng sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt do sản phẩm nhập ngoại tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Bốn là, tình hình tài chính gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp xi măng có tỷ lệ vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng lớn. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi lớn. Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm xi măng, thép xây dựng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.

Năm là, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến vật liệu xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Khảo sát doanh nghiệp VLXD của Vietnam Report cho thấy, năm 2023, năm động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh là Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (92,3%); Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (61,5%); Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh (53,8%); Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (46,2%); Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (46,2%). Trong khi đó, trong số 3 động lực bên ngoài, đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện trở thành động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong 12 tháng tới với tỷ lệ 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/5-kho-khan-cua-nganh-vat-lieu-xay-dung.html