Lạm phát, bầu cử, chiến tranh 'chiếm sóng' năm 2024
Năm nay ghi nhận lạm phát ở nhiều quốc gia hạ nhiệt, nhưng cử tri không quan tâm.
Họ tức giận trước tình trạng giá cả mọi thứ, từ trứng đến năng lượng tăng vọt vài năm qua nên quyết định trừng phạt chính quyền đương nhiệm. Nỗi đau lạm phát còn dai dẳng và đảng cầm quyền thất bại hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác.
Tại Mỹ, chính trị gia Donald Trump giành được nhiệm kỳ thứ 2 sau 4 năm rời khỏi Nhà Trắng trong ồn ào. Lực lượng ủng hộ ông không còn xông vào Điện Capitol mà bày tỏ quan điểm bằng lá phiếu.
Tâm lý chống đối chính quyền đương nhiệm do lạm phát thúc đẩy cũng dẫn đến chuyển giao quyền lực ở Anh, Botswana, Bồ Đào Nha, Panama... Cử tri Hàn Quốc đưa phe đối lập lên nắm giữ quốc hội nhằm kiềm chế Tổng thống Yoon Suk-yeol. Hệ quả là nước này rơi vào khủng hoảng chính trị do thiết quân luật bất ngờ được ban bố rồi nhanh chóng bị bãi bỏ ngày 3.12.
Bầu cử còn làm rung chuyển Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ. Chỉ có một nơi không thay đổi: Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử với 88% số phiếu bầu.
Cuộc chiến Ukraine kéo dài sang năm thứ 3 với nhiều thắng lợi dành cho Nga. Chưa rõ việc Tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng sẽ tác động ra sao đến xung đột, ông từng tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh ngay sau khi nắm quyền. Ukraine và châu Âu lo lắng Tổng thống Trump chấp nhận thỏa hiệp.
Sang Trung Đông, Israel duy trì chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và phát động thêm chiến dịch nữa ở Lebanon. Syria chứng kiến sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong lĩnh vực kinh doanh, các công ty trên thế giới tìm cách thích ứng với trí tuệ nhân tạo. Bảy công ty công nghệ chiếm hơn 1/3 vốn hóa thị trường của S&P 500. Một trong số đó là Tesla thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk – người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump. Sự kết hợp giữa sức hút công nghệ với quyền lực chính trị có thể định hình năm 2025.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lam-phat-bau-cu-chien-tranh-chiem-song-nam-2024-227521.html