Làm giàu từ cây thạch đen - hương vị núi rừng xứ Lạng

Lạng Sơn có khoảng 4.000ha trồng cây thạch đen ở các huyện Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia. Có hàng chục cơ sở chế biến thạch lâu năm, nhưng sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn thuộc về một cô giáo người Tày.

Đổi đời nhờ cây thạch đen

Rót chén trà thơm mời khách trong căn nhà gỗ khang trang ở thôn Khun Gioong, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, anh Đường Văn Tá kể, trước đây, gia đình quanh năm trồng ngô, lúa nên chỉ đủ ăn.

Chị Chu Thị Hạnh, chủ nhân của sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng.

Từ hơn 10 năm nay, anh đã chuyển dần diện tích trồng ngô, tận dụng thêm diện tích đất đồi để trồng cây thạch đen. Từ vài nghìn m2 ban đầu, hiện nay gia đình anh trồng hơn 14 sào thạch đen, đem lại thu nhập trung bình mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

Chỉ vào đống cây thạch mới phơi khô, anh Tá cho hay, trước đây, mỗi năm anh trồng được gần 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch khoảng 3 tạ. Tùy vào thời tiết mà cây thạch đen cho năng suất và giá bán khác nhau, trung bình dao động khoảng 15-20 nghìn đồng/cân khô.

Tuy nhiên, từ khi cơ sở sản xuất thạch Chu Thị Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng có dự án phát triển vùng nguyên liệu với thương hiệu Thạch Chu Hạnh, họ đã thu mua với giá 30-40 nghìn đồng/kg, thậm chí loại cao nhất tới 60.000 đồng/kg.

"Tôi có nhà, có xe, nuôi con ăn học đại học, tất cả là nhờ cây thạch đen. Ưu điểm của cây này là dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thời gian cho thu hoạch cũng khá nhanh", anh Tá kể.

Gia đình anh Tá là một trong số 40 hộ trồng cây thạch đen ở Văn Lãng được cơ sở thạch đen Chu Hạnh bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhờ vậy có nguồn thu nhập khá cao, ổn định.

Món ăn giàu dinh dưỡng

Nhập hơn 1 tấn thạch đen Chu Hạnh về để bán vào mùa hè nhưng mới hơn 10 ngày, siêu thị mini của chị Hoàng Thanh Hằng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bán hết sạch. Chị Hằng cho hay, trước đây chị nhập rất nhiều loại thạch đen nhưng tất cả đều na ná giống nhau.

Chị Chu Thị Hạnh giới thiệu sản phẩm thạch đen của mình.

"Riêng thạch Chu Hạnh mang đến cho khách hàng cảm giác thanh mát tự nhiên bởi chất tạo ngọt họ dùng hoàn toàn bằng cây cỏ ngọt. Món ăn này không chỉ giải khát thông thường mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người dùng", chị Hằng nói và cho hay, với mỗi hộp khối lượng 1kg, thạch Chu Hạnh bán với giá 70.000 đồng, còn loại 700gr, 300 gr từ 30.000 – 50.000 đồng/hộp. Ngoài ra, có loại thạch ống nứa giá 65.000 đồng/ống.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thạch đen là một loại dược liệu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể và được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa.

Bởi vậy, nếu thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ thạch đen sẽ rất tốt cho sức khỏe của mọi người. Không phải tự nhiên sản phẩm thạch đen Lạng Sơn lại được thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... săn đón.

Không có tài liệu nào xác định nguồn gốc của cây thạch đen Lạng Sơn. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây thạch đen đã được người dân ở đây nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại ba huyện Tràng Định, huyện Văn Lãng và Bình Gia. Cây thạch đen được coi là cây bản địa, truyền thống, có giá trị kinh tế của địa phương.

Thạch đen Lạng Sơn sản xuất ra các loại sản phẩm như thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen. Ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, thạch đen cây khô và bột thạch đen Lạng Sơn còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc.

Đạt OCOP 3 sao đầu tiên của Lạng Sơn

Bén duyên với cây thạch đen từ năm 2009, cô giáo Chu Thị Hạnh (SN 1986, người sáng lập sản phẩm Thạch Chu Hạnh) cho biết, bắt đầu làm thạch mang đi những nơi mình dạy học để bán. Vừa là cô giáo, vừa đi bán thạch nên lúc đầu chị còn ngại ngần. Nhưng vì tình yêu với những sản phẩm được làm thủ công thuần túy, lại mang giá trị dinh dưỡng cao nên chị quyết định nghiên cứu sản xuất thêm.

Chị kể, để làm được những mẻ thạch ưng ý, được khách hàng phản hồi tốt, đầu tiên phải chọn mua nguyên liệu là những cây thạch được bà con trồng trên nương. Sau khi phơi khô, cây thạch đen được loại bỏ rễ, nhặt sạch lá cây, mang rửa sạch, rồi nấu trong khoảng 8 tiếng.

Tới khi cây thạch nhừ và tạo ra dịch thạch, người nấu sẽ bỏ ra lọc sạch bã. Khâu cuối cùng là đưa bột năng, đường để tạo ra món thạch. Sau khoảng 4 tiếng nấu mới đạt thành phẩm với yêu cầu sạch, thơm, khi ăn cảm nhận được độ giòn, mềm.

Trước kia, để làm được một mẻ thạch đen phải mất 2 ngày. Nhưng hiện nay, quy trình sản xuất thạch đã có sự cải tiến với sự hỗ trợ của máy rửa, máy băm và hệ thống nồi hơi. Nhờ đó, thời gian để làm ra một mẻ thạch chỉ còn khoảng 8 tiếng.

Sau 15 năm kể từ khi bén duyên với cây thạch đen, chị Hạnh đã bao tiêu sản phẩm cho 40 hộ với vùng trồng khoảng hơn 10ha. Năm 2023, cô giáo Hạnh đã quyết định nghỉ công việc giáo viên để tập trung hoàn toàn vào việc phát triển vùng trồng và sản xuất sản phẩm thạch. Thạch Chu Hạnh là sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn vào năm 2020.

Dù không tiết lộ doanh thu cụ thể, song người phụ nữ sáng lập thạch Chu Hạnh khá hài lòng với mức tăng trưởng hiện tại: "Chúng tôi đặt mục tiêu doanh số tăng 30% song lợi nhuận chỉ tăng 10-13%, nhằm hướng đến số người dân được hưởng lợi sẽ nhiều lên, diện tích trồng mới mỗi năm tăng".

Hiện nay, sản phẩm thạch Chu Hạnh đã được phân phối hơn 25 đại lý từ Bắc vào Nam. Sản phẩm còn được trưng bày các điểm trưng bày – kết nối – hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cửa hàng OCOP… tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quy Nhơn (Bình Định), TP.HCM, Quảng Trị…

Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng đã chọn thạch Chu Hạnh là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hỗ trợ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ngay tại thị trấn Nam Sầm.

Theo ông Vũ Văn Nhiên, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, sản phẩm thạch đen Chu Hạnh đã góp phần đem lại uy tín, thương hiệu cho xứ Lạng nói chung, huyện Văn Lãng nói riêng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để cơ sở mở rộng quy mô sản xuất", ông Nhiên nói.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết, Thạch Chu Hạnh là cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm thạch đen khá triển vọng trên địa bàn huyện. Cơ sở đã hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cây thạch đen cho người dân, mở rộng vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn.

"Chúng tôi đã hỗ trợ hướng dẫn chủ cơ sở hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn và đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi tin sản phẩm sẽ tiếp tục góp phần đưa ẩm thực xứ Lạng vươn xa hơn nữa", bà Oanh tin tưởng.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lam-giau-tu-cay-thach-den-huong-vi-nui-rung-xu-lang-192240523221528242.htm