Lãi suất tiết kiệm tiếp tục đà tăng, thêm 'ông lớn' nhập cuộc

Trong khi tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 đạt 6%, thì tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống chỉ mới tăng 1,5% so với đầu năm nay. Do đó, lãi suất tiết kiệm có thể tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm nay khi nhu cầu tín dụng đã có tín hiệu phục hồi.

Gần 8 tháng qua đã có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, xu hướng này không chỉ kéo tiền nhàn rỗi từ người dân, mà còn hỗ trợ các nhà băng đảm bảo nguồn vốn cho những tháng cuối năm.

Nỗi lo tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu

Trao đổi với PLO, chị Nguyễn Thu, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: Hiện tôi đang có hai khoản vay ngắn hạn tại một ngân hàng, để bổ sung vốn lưu động thu mua nông sản.

Trước khi ký hợp đồng vay, tôi cũng được nhân viên tín dụng tư vấn là 3 tháng sẽ cập nhật lãi suất một lần, nhưng thực tế 6 tháng qua không thấy lãi vay biến động mà vẫn giữ nguyên ở mức 8%/năm. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi an tâm sản xuất.

Thế nhưng vào cuối tháng 7 vừa qua, một hợp đồng vay 750 triệu đồng đã bất ngờ điều chỉnh tăng từ 8,5%/năm lên 11,9%/năm. Tiếp đến hôm vừa rồi, hợp đồng vay khác với hạn mức 800 triệu đồng cũng nhận được tin nhắn thông báo từ ngày 15-8 đến 14-11, lãi suất sẽ thay đổi, từ 8%/năm lên 11,9%/năm.

Như vậy chỉ trong khoảng nửa tháng gần đây, cả hai hợp đồng vay này đều đã bị bật tăng lãi suất thêm tới 3,5 – 4%/năm.

“Để giảm áp lực trả nợ, nhân viên tín dụng đã tư vấn tôi nên tất toán khoản vay này để làm thủ tục vay mới, sẽ được hưởng lãi vay cố định 12 tháng ở mức 8%/năm. Mặc dù không mất phí phạt trả nợ trước hạn, nhưng tôi cũng sẽ phải “vay nóng” với mức lãi là 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Do khi tất toán hai khoản vay với tổng số tiền 1,55 tỉ đồng tôi sẽ mất thêm 4.650.000 đồng tiền vay lãi nặng để làm thủ tục tất toán và vay mới”, chị Thu cho biết thêm.

 Lãi suất tiết kiệm sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. Ảnh: T.L

Lãi suất tiết kiệm sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. Ảnh: T.L

Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, bà Đàm Vĩnh Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty may DONY cho biết: Hiện bà đang có hợp đồng vay vốn lưu động tại một ngân hàng thương mại, lãi suất vẫn ổn định ở mức 8%/năm và chưa nhận thông báo nào về việc tăng lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm khiến bà thực sự lo lắng về lãi suất cho vay thời gian tới nhiều khả năng khó đứng yên. Nếu lãi suất cho vay tăng, sẽ khiến chi phí vốn tăng thêm và lợi nhuận lại teo tóp thêm.

Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với các bạn hàng trong nước mà còn phải cạnh tranh với cả các đối tác nước ngoài, do đó giá bán phải hấp dẫn hơn, kéo theo lợi nhuận thu về sẽ bị giảm mạnh. Chính vì vậy, ngoài các chính sách được Nhà nước hỗ trợ như hoàn thuế VAT hàng xuất khẩu, xuất khẩu 0% thì họ cũng rất mong các ngân hàng thương mại đưa lãi vay ở mức phù hợp.

Nhất là trong giai đoạn này, khi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp dệt may chưa phục hồi và tăng trưởng một cách bền vững, nếu chẳng may lãi vay bất ngờ nhảy cóc lên 13-14%/năm như giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì doanh nghiệp không thể sống nổi.

"Ngay cả khi đơn hàng đã tăng mạnh so với thời điểm khủng hoảng cuối năm 2022, nhưng chủ yếu là đơn ngắn hạn kéo dài 1-3 tháng, rất hiếm những đơn hàng kéo dài một năm. Vậy nên chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất theo kiểu “cầm chắc cái ăn” thì mới làm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không tính toán đến việc mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có quá nhiều biến động”, bà Linh cho biết thêm.

Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng

Theo quan sát của WiResearch, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong 7 tháng đầu năm nay đạt 5,66% so với cuối năm ngoái, thoát khỏi tình trạng tín dụng tăng trưởng ì ạch thậm chí tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn chỉ mới tăng 1,5% so với đầu năm nay. Do đó, lãi suất có thể tăng vào những tháng cuối năm nay khi nhu cầu tín dụng đã có tín hiệu phục hồi, nhưng ngược lại lượng tiền gửi tăng trưởng tương đối thấp.

Tính đến nay, có trên 20 ngân hàng bao gồm 4 ngân hàng thương mại tư nhân lớn như MBB, VPB, ACB, và Sacombank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm ở nhiều kỳ hạn. Thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã thay đổi theo chiều hướng tăng. Với riêng TPBank, từ quý 2 đến nay đã thực hiện 4 lần tăng lãi suất huy động, mỗi lần tăng từ 0,1% - 0,3%/năm tùy kỳ hạn, tổng mức độ tăng quý 2 từ 0,5% - 0,6%/năm tùy kỳ hạn sau khi quý 1 có biến động giảm nhẹ.

Nhận định về xu hướng tăng lãi suất huy động và cho vay trong giai đoạn nửa cuối năm nay, ông Hưng cho biết: “Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng nhẹ để đảm bảo lãi suất thực dương, đủ hấp dẫn để dòng tiền gửi vào ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng vốn tín dụng cuối năm, đặc biệt dư địa tăng tín dụng còn rất nhiều.

Do vậy, lãi suất cho vay dự kiến cũng sẽ tăng theo, nhưng khả năng tốc độ tăng sẽ thấp hơn lãi suất huy động do các ngân hàng sẽ phải tối ưu hóa chi phí hoạt động để vẫn có cơ chế cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng giải ngân”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong thời gian 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng

Theo quan sát của các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty chứng khoán MBS, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì trên ngưỡng 4%/năm ở tất cả các kỳ hạn trong tháng 7.

Vào ngày 9-7, lãi suất qua đêm bật tăng lên 4,9%/năm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 và điều này phát đi tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong 2 tháng vừa qua. Đến cuối tháng 7, nhờ những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất qua đêm đã giảm về mức 4,3%/năm, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động từ 4,5% - 4,6%/năm.

MBS cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-suat-tiet-kiem-tiep-tuc-da-tang-them-ong-lon-nhap-cuoc-post804953.html