Lãi suất tiết kiệm tăng, người dân có mặn mà gửi tiền?

Từ đầu tháng 5 đến nay, 18 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, thậm chí có ngân hàng tăng 2-3 lần. Dòng tiền được dự báo quay lại gửi ngân hàng khi mà các kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn và rủi ro cao.

Giá vàng liên tục lao dốc, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, bất động sản vẫn đang trầm lắng...

Do đó, việc nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động đã tác động đến tâm lý của người gửi tiền.

Lãi suất tiết kiệm tăng trong tháng 5

Lãi suất tiết kiệm tăng trong tháng 5

Chị Phạm Thị Thủy, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Giờ kinh doanh vàng cũng bấp bênh thì chủ yếu dồn tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm".

Theo chị Hà Nguyễn Bích Ngọc, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội: "Tôi vẫn thấy kênh gửi tiết kiệm khá an toàn với tình hình hiện tại, tôi vừa có thể đảm bảo được số tiền duy trì vừa có thể sinh lời."

Đã có 18 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, có ngân hàng tăng 2-3 lần trong một tháng

Đã có 18 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, có ngân hàng tăng 2-3 lần trong một tháng

Tính từ đầu tháng 5, đã có gần 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng từ 2-3 lần. Hiện lãi suất đầu vào với mức cao nhất đang được áp dụng là 6,2%/năm ở kỳ hạn dài. Đây là tiền đề giúp nhiều ngân hàng thu hút nguồn tiền gửi tăng trở lại.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc BVBank Long Biên, cho biết: "Sau một giai đoạn mà lãi suất ngân hàng giảm thì khách hàng cũng có xu hướng rút tiền. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây ngân hàng có bước tăng lãi suất trở lại thì cũng có nhiều khách hàng quan tâm và có xu hướng gửi tiết kiệm trở lại ngân hàng".

Ngân hàng tăng lãi suất, nhiều khách hàng gửi tiết kiệm trở lại.

Ngân hàng tăng lãi suất, nhiều khách hàng gửi tiết kiệm trở lại.

Mặc dù lãi suất huy động chưa như kỳ vọng nhưng huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng. Các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ... hiện nay đang trầm lắng, không mang lại lợi nhuận cao và an toàn như gửi tiết kiệm. Điều này khiến dòng tiền nhàn rỗi nhiều khả năng sẽ trở lại kênh giữ vốn này.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, cho biết: "Tôi nghĩ việc điều chỉnh lãi suất vẫn đảm bảo thu hút tiền gửi. Hiện nay kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư với người dân và doanh nghiệp, vẫn hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và ngân hàng...".

PGS.TS Phạm Tuấn Anh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại, nhận định: "Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là hoàn toàn dễ hiểu khi họ phải chuẩn bị vốn cho các nhu cầu cho vay, thỏa mãn nhu cầu sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn ở góc độ tích cực, lần tăng lãi suất này cũng ghi nhận tốc độ tăng không quá lớn. Các ngân hàng có vẻ đang rất cẩn trọng trong việc kiểm soát chi phí của mình.

Nếu như nhìn từ những tác động như vậy, việc tăng lãi suất sẽ giúp thu hút dòng tiền trong dân, giảm áp lực cho thị trường vàng, đầu tư ngoại tệ, đầu cơ bất động sản".

Dù lãi suất đang có xu hướng tăng, nhưng các chuyên gia dự báo mức tăng từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều. Lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu quý I, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy.

Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tùy thuộc vào khả năng kiểm soát lạm phát và diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lai-suat-tiet-kiem-tang-nguoi-dan-co-man-ma-gui-tien-239975.htm