Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2023?
Theo khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm niêm yết trên website của 28 ngân hàng thương mại cho thấy, ở kỳ hạn 3 tháng, các ngân hàng đang huy động lãi suất trong khoảng 3,7 - 4,75%/năm...
Bước sang tháng 9, phạm vi lãi suất huy động vốn được triển khai tại 28 ngân hàng thương mại trong nước kỳ hạn 3 tháng dao động trong khoảng 3,7%/năm đến 4,75%/năm. So với tháng trước, khung lãi suất này đã giảm khoảng 0,1 - 0,85 điểm phần trăm.
Theo đó, khách hàng khi gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi ở mức cao nhất lên đến 4,75%/năm tại các ngân hàng SHB, SCB, NCB, Oceanbank, Bac A Bank, BAOVIET Bank...
Tại ngân hàng VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 4,25%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng là 4,35%/năm; từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng là 4,45%/năm, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 4,55%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 4,65%/năm.
Ngân hàng VPBank cũng triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy. Riêng đối với khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, khách hàng chỉ được nhận lãi suất tối đa 4,75%/năm với kỳ hạn 3 tháng.
Cũng tại kỳ hạn này, ngân hàng OCB triển khai lãi suất ở mức 4,6%/năm đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ. Riêng với hình thức tiền gửi trực tuyến, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 4,75%/năm.
Trong khi đó, ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 3 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 3,7%/năm, khách hàng VIP 2/ VIP 3 và khách hàng VIP1/Private nhận được mức lãi suất lần lượt là 3,8%/năm và 3,9%/năm.
Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo lãi suất tại một số ngân hàng thương mại trong nước khác với mức lãi suất huy động từ 4,5%/năm trở lên như: NamA Bank (4,65%/năm); VietABank (4,6%/năm); Kienlongbank (4,55%/năm); VietBank (4,5%/năm); DongA Bank (4,5%/năm); ABBank (4,5%/năm)…
Trong bảng so sánh, mức lãi suất tiết kiệm dưới 4,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng cũng đang được triển khai tại nhiều ngân hàng như: SeABank (4,45%/năm); LP Bank (4,35%/năm); BVBank (4,3%/năm); HDBank (4,25%/năm); PVCombank (4,25%/năm); MSB (4%/năm)…
Trong tháng này, 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đang cùng triển khai lãi suất ở mức 3,8%/năm. So với cùng kỳ tháng trước, mức lãi suất tại các ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm.
Trong thời gian qua, mặc dù lãi suất huy động giảm sâu và thị trường chứng khoán sôi động nhưng tiền gửi vào ngân hàng đến cuối tháng 6/2023 tiếp tục tăng lên.
Theo thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.
So với tháng 5/2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng đã lấy lại mốc của cuối năm ngoái sau 5 tháng giảm. Ngân hàng Nhà nước thống kê, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng.
Riêng ngày 30/6/2023, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ so với tháng 5/2023, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. So với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn trên 6 tháng sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng tín dụng chậm trong 6 tháng đầu năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Trong thời gian tới, dự kiến Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.