Lãi suất cho vay thấp, tại sao cầu tín dụng vẫn ì ạch?

Lãi suất cho vay của các ngân hàng đang ở mức thấp, được các doanh nghiệp đánh giá là 'lý tưởng' nhất trong nhiều năm qua nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 vẫn ì ạch.

Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để kích cầu tín dụng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 15% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra?

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dệt may Thành Công cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang vay vốn ngắn hạn từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài với lãi suất giao động từ 2,5 - 3,5%/năm cho cả tiền VND và USD. Đây là mức lãi suất rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Thế nhưng, đây không phải là mặt bằng lãi suất áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các gói vay ưu đãi.

May hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa: Trần Việt – TTXVN

Theo ông Trần Như Tùng, các ngân hàng thương mại thường có chính sách lãi suất riêng cho từng doanh nghiệp, tùy thuộc vào mức độ đánh giá hiệu quả kinh doanh, dòng tiền của mỗi đơn vị. Sở dĩ, Dệt may Thành Công tiếp cận được nguồn vốn vay ngắn hạn có lãi suất thấp là bởi doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất – kinh doanh khá thuận lợi. Hiện tại, doanh nghiệp đã nhận được hơn 90% lượng đơn hàng để sản xuất cho đến hết quý III/2024. Bên cạnh đó, Dệt may Thành Công là doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, hàng tháng có lượng USD đổ về khá nhiều, chỉ số nợ “đẹp” nên được đánh giá có sức khỏe tài chính tốt, được hưởng lãi suất ưu đãi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) thông tin, hiện nay doanh nghiệp đang được các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng khá cao, chưa sử dụng hết. So với quý I/2023 thì mức vay của G.C food quý I/2024 giảm khoảng 10%. Lý do là doanh nghiệp có thể chủ động khoản tài chính lưu động cho sản xuất, kinh doanh nên giảm khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện có nhu cầu vay trung và dài hạn (5 -7 năm) để đầu tư xây dựng nhà máy mới nhưng lo ngại lãi suất sẽ cao. Cụ thể, khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng đang áp dụng chính sách cố định lãi suất trong năm đầu tiên; những năm sau lãi suất “thả nổi” theo công thức lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cộng thêm 3 – 4%. Với mặt bằng lãi suất huy động thấp như hiện nay thì các khoản vay trung và dài hạn sẽ có lãi suất khoảng 7 - 8%/năm được xem là tốt nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp không lường trước biến động về lãi suất trong trung hạn và dài hạn khi các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm. Trường hợp lãi suất huy động tiết kiệm lên mức 7 - 8%/ năm thì lãi suất doanh nghiệp phải trả lên đến 10 - 12%/năm.

Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có thời gian thi công, thời gian khấu hao khá dài; biên độ lợi nhuận của ngành lương thực thực phẩm lại thấp. Với lãi vay trên 10%/năm thì việc vay vốn đầu tư hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm xuống mức rất thấp nhưng tăng trưởng tín dụng ở khối doanh nghiệp vẫn lẹt đẹt. Ảnh: BNEWS phát

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) phân tích, từ đầu năm 2024 đến nay , lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm xuống mức rất thấp nhưng tăng trưởng tín dụng ở khối doanh nghiệp vẫn lẹt đẹt bởi “người vay được thì không muốn vay còn người muốn vay thì không vay được”.

Theo đó, những doanh nghiệp có dòng tiền lưu động tốt, đủ điều kiện được vay thì đang hoạt động chừng mực trong giới hạn vốn tự có, chưa muốn mở rộng sản xuất. Tâm lý này xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa thật sự chắc chắn về sức mua của thị trường trong tương lai, lo ngại cầu tiêu dùng đang trên đà phục hồi có thể bị chững lại. Tình hình thế giới đang tồn tại rất nhiều yếu tố bất định, xung đột liên tục leo thang khiến giá nhiên liệu và giá vận chuyển tăng nhanh.

Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá bán hàng dẫn đến lợi nhuận giảm. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp thật sự khó khăn, có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động không đủ điều kiện, không còn tài sản thế chấp cho ngân hàng.

Tại diễn đàn “Động lực tăng trưởng kinh tế 2024” do báo Người lao động tổ chức mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, mục tiêu năm nay tín dụng tăng trưởng 15% và nếu cần thiết sẽ cho phép tăng thêm. Về vấn đề vốn, thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn bởi tình hình quốc tế và những khó khăn nội tại, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 4 tháng đầu năm 2024 rất khó khăn. Hai tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm dù cơ chế, chính sách cho vay vẫn như trước. Từ tháng 3, tăng trưởng tín dụng bắt đầu cải thiện nhưng không nhiều, tính tới cuối tháng 4 mới đạt khoảng 1,5%. Theo ông Đào Minh Tú, các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai giải pháp thúc đẩy cầu tín dụng. Hiện tại, lãi suất huy động tiết kiệm và lãi suất cho vay đã ở mức rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là các khoản vay mới. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Thêm vào đó, chính sách giãn, hoãn các khoản nợ doanh nghiệp chưa trả được sẽ được kéo dài tới hết năm 2024 thay vì chỉ tới 30/6 khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

“Để cấp bách kéo cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi; đồng thời ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Các địa phương, hiệp hội tăng cường tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp như Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai thời gian qua. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng nhằm kích cầu mua sắm, giải quyết tồn kho ngay trong thị trường nội địa.”, ông Đào Minh Tú nêu giải pháp.

Ông Cao Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Phê duyệt tín dụng tại Tp. Hồ Chí Minh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, để kích cầu tín dụng, ngân hàng đã rà soát toàn hệ thống nhằm tiếp tục tinh giản hồ sơ cho vay nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định. Về phía doanh nghiệp, để tăng khả năng tiếp cận vốn, cần minh bạch trong báo cáo tài chính, trung thực trong cung cấp thông tin cần thiết cho ngân hàng.

Theo ông Phong, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, thời gian qua, Agribank cũng dành lượng lớn nguồn vốn tập trung vào sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng. Ngay đầu quý II/2024, Agribank đã bổ sung thêm 35.000 tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Ngân hàng cũng đã 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Cùng đó, triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200.000 tỷ đồng; đồng thời tích cực tham gia các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị có nhu cầu vay.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lai-suat-cho-vay-thap-tai-sao-cau-tin-dung-van-i-ach/331341.html