Lại Nobel

Việt Nam lại xôn xao về giải Nobel Văn học, khi phát hiện thi sĩ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử giải thưởng danh giá này vào năm 1972, danh sách do Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố. Hậu trường một cuộc chiến tranh được 'giải mật' có lẽ cũng không phải đợi lâu đến thế: đúng 50 năm, theo quy định của Nobel.

Theo thông lệ hàng trăm năm nay, hai trong số bốn thành phần có thẩm quyền giới thiệu ứng viên Nobel gửi tới Thụy Điển là những giáo sư văn chương, hoặc người đứng đầu hiệp hội văn chương đại diện cho ứng viên tại quốc gia đó. Như hồi năm ngoái Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư từ Thụy Điển mời đề cử người tranh giải Nobel Văn học. Lá thư được cho là “đến trễ”, nhưng biết đâu 50 năm nữa, năm 2072 sẽ tiết lộ cái tên mà ông Chủ tịch Hội đã đề cử?

Tôi đồ rằng nếu chớp nhoáng đặt câu hỏi cho những độc giả đích thực, và cả những nhà phê bình văn học về tên của chục chủ nhân Nobel văn chương gần nhất, thì e rằng không ít người sẽ lúng túng “nhớ nhớ quên quên”. Kể cả với giới độc giả và phê bình phương Tây. Thực ra định mệnh văn chương là vậy. Cả thế kỷ chỉ đọng lại trong trí nhớ đại chúng được mươi cái tên là bình thường, nhất là ở kỷ nguyên con người dần nhường trí nhớ cho máy móc này. Như Nguyễn Du mơ hồ về “300 năm nữa…”, hay chính Vũ Hoàng Chương “Khiến kẻ ngàn sau nằm đọc sách/Còn mơ lần nữa giấc ai mơ”?

Nhưng vì sao giải thưởng văn chương này vẫn hút sự quan tâm rất lớn của dư luận? Danh giá, tất nhiên. Tuy nhiên danh giá ấy theo tôi có lẽ bởi độ “khó”, độ hiếm của nó, và cả ở mức tiền thưởng khủng, hơn là chất lượng tác phẩm. Nói chính xác hơn, người đọc giờ đây đã bị phân hóa quá lớn, với vô vàn “gu” đọc khác nhau. Kể cả từ chối những trang sách để chạy theo bao thứ công nghệ truyền thông tân kỳ. Trong khi mọi thứ chủ thuyết, chủ nghĩa, trường phái đều đã là câu chuyện của cả trăm năm trước.

Cả cách thức phải đợi sau nửa thế kỷ mới “bạch hóa” những cái tên bước đầu chạm ngõ giải này cũng tạo sức thu hút, tò mò. Các ứng viên trước mỗi giải chỉ là sự đoán già đoán non câu view của báo chí, cũng như cơ hội làm ăn cho các sàn cá cược. Ngay những ứng viên tiềm năng nhất gần đây như Murakami, Ko Un, Salman Rushdie, Stephen King,…kỳ thực chưa ai trong số đó được xác định chính thức, trừ Murakami từng công khai từ chối nhận đề cử New Academy, giải thay thế cho Nobel Văn học bị hoãn bởi lý do bất khả kháng hồi năm 2018.

Văn chương sẽ là gì trong thời đại mà người ta đang tính đến việc dùng công nghệ để thiết kế, chế tạo ra các “dạng sống” khác nhau theo ý muốn, các loại sinh vật hữu cơ mới, kể cả vô cơ? Thậm chí còn tách rời được trí thông minh (khả năng giải quyết vấn đề) ra khỏi ý thức (khả năng cảm nhận, cảm xúc). Thật khó để lường trước.

Giờ đây, có lẽ vẫn phải hy vọng cùng với TS. Eliot, chủ nhân Nobel Văn học năm 1948, “Vì lời nói năm ngoái thuộc về ngôn ngữ năm ngoái/Và lời nói năm sau đang chờ một giọng nói khác”. Rằng thế giới dù đã phơi mở toàn bộ và lao nhanh hết mức, thì vẫn còn đó những góc khuất hay “giọng nói” mới để khám phá và say mê.

TRÍ QUÂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lai-nobel-post1511198.tpo