Kỳ vọng trường học hạnh phúc

Những ngày gần đây, câu chuyện xây dựng mô hình trường học hạnh phúc tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc, việc xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình phức tạp, lâu dài. Không thể giải quyết trong vài tháng hoặc vài năm... Làm đúng các tiêu chí của trường học hạnh phúc nhưng khi hỏi học sinh mà các em nói không hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Trường học hạnh phúc sẽ góp phần tạo động lực cho học sinh học tốt hơn. Ảnh: Minh Thư

Mới đây, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc. Theo đó, Sở GDĐT TPHCM đã ban hành Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, các tiêu chí đánh giá "Trường học hạnh phúc" bắt đầu được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm từ 2016. Tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GDĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình "Trường học hạnh phúc". Theo ông Phúc, trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất. Ngoài ra, việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.

"Việc thực hiện cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện thực tế, không nên hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, không nóng vội, tránh tạo áp lực" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, cho biết quá trình xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. "Khi triển khai Bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa họ vào như một trong những chủ thể quan trọng, có ảnh hưởng quá trình xây dựng trường học hạnh phúc" - ông Hiếu nói.

Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích. Việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học. Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ: cần cải thiện, khá, tốt. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt thì cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.

Cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng học tập... Đặc biệt, phải tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, hiểu theo cách chung nhất, trường học hạnh phúc là môi trường chú trọng giảng dạy không chỉ giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu, mà còn phải hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần khỏe mạnh.

Theo đó, trường học hạnh phúc là một không gian học đường thiết thực, thân thiện, an toàn; tạo điều kiện để học sinh được yêu thương, tôn trọng, được bảo vệ và được tạo điều kiện để thực hiện các quyền của mình, có nhận thức tích cực về các mối quan hệ trường học, được trải nghiệm những cảm xúc tích cực và thực hiện được những hành vi tích cực giúp mỗi cá nhân người học lẫn người dạy trong môi trường đó ý thức hơn về ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống của mình; từ đó tăng cường sự hiểu biết, niềm tin vào bản thân, vào bạn bè và các mối quan hệ xã hội ở trường học, hướng đến một cộng đồng hạnh phúc ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội.

Có thể thấy trường học hạnh phúc là một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học; Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày; Một môi trường mà cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, có hành vi và tâm hồn đẹp, thúc đẩy một tương lai trường học thân thiện, cấp tiến.

Nói khác đi, trường học hạnh phúc là nơi người đến, người làm việc, người gắn bó, người dựng xây, tổ chức và quản lý đều cảm thấy đó là nơi mang đến cho mình niềm vui, sự thoải mái, sự an lành và nhất là cảm nhận mình được thừa nhận, có cảm xúc tích cực và mong muốn gắn kết, cống hiến…

Để xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay, theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng, vừa thực hiện nhiệm vụ của một nhà quản lý, vừa thực hiện vai trò của một người lãnh đạo. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm lôi cuốn những người đi theo mình, phải có khả năng tác động đến từng giáo viên, nhân viên và cả học sinh trong nhà trường.

Cùng với đó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mô hình trường học hạnh phúc cho chính ngôi trường của mình. Thực hiện trách nhiệm lãnh đạo nhà trường, cán bộ quản lý tác động vào suy nghĩ, hành vi của cán bộ, giáo viên, học sinh để họ hoạt động theo những mục tiêu chung của nhà trường.

Người hiệu trưởng trong nhà trường vừa giữ vai trò của một nhà quản lý, vừa là người đưa ra ý tưởng, quan điểm, vừa là người tổ chức để xây dựng nhà trường theo mô hình trường học hạnh phúc đã xác định.

Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" do Sở GDĐT TPHCM xây dựng, dựa trên cơ sở tham khảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của UNESCO và điều kiện thực tế ở TPHCM. Sau hơn một năm nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, bộ tiêu chí đã chính thức ban hành ngày 16/10/2023.

Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: nhóm tiêu chuẩn về Con người gồm 6 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Dạy học và Hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Môi trường gồm 4 tiêu chí.

Điểm đáng ghi nhận là các nội dung gợi ý thực hiện trường học hạnh phúc thể hiện quan điểm giáo dục khá tích cực và tiến bộ.

Ví dụ như: Chấp nhận, xem lỗi sai của người học như một phần của quá trình dạy học để hướng dẫn học sinh ngày càng tiến bộ; Học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ, nhà trường; Vinh danh những gương học sinh điển hình trong quá trình học tập, rèn luyện…

Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức: Cần cải thiện, Khá, Tốt.

Dựa trên bộ tiêu chí, lãnh đạo các cơ sở giáo dục tự đánh giá mức độ đạt được của đơn vị mình. Từ đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để đạt trường học hạnh phúc.

LAN DUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-vong-truong-hoc-hanh-phuc-5742281.html