Kỳ vọng bất động sản phục hồi, OCB mạnh tay giải ngân

Năm 2024, ngân hàng OCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng gần 20% - mức đầu ngành ngân hàng. Một phần không nhỏ trong số này đã được nhà băng dồn vào lĩnh vực bất động sản.

Dư nợ bất động sản lên đỉnh

Hoài Nhơn, một thị xã ven biển thuộc tỉnh Bình Định, từ lâu không nằm trong bản đồ ưu tiên của các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi khi Công ty TNHH Grand Việt Hưng khởi động dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng. Dự án bao gồm 373 căn nhà phố, trung tâm thương mại, trường học và cả rạp chiếu phim – những hạng mục thường thấy tại các đô thị phát triển hơn. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 800 tỷ đồng.

Trong một bước đi táo bạo không kém, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 350 tỷ đồng với Grand Việt Hưng nhằm tài trợ cho các khoản nộp ngân sách, xây dựng phần lõi của dự án và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư trong năm 2025.

Khoản tín dụng trên chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của OCB nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản – một phân khúc đang từng bước phục hồi sau chu kỳ điều chỉnh kéo dài.

Không chỉ tài trợ cho nhiều dự án bất động sản, OCB còn đẩy mạnh các gói vay mua nhà ưu đã hỗ trợ cá nhân. Đầu tháng 4 năm nay, OCB tung ra gói vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, thời hạn vay lên đến 360 tháng và hạn mức vay tối đa tới 5 tỷ đồng.

Những hoạt động này là một phần trong chiến lược kích cầu vào tín dụng bất động sản của OCB.

Báo cáo tài chính năm 2024 của ngân hàng ghi nhận dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản của OCB tăng thêm tới 16.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm - mức cao nhất nhiều năm qua.

Cho vay bất động sản trở thành lĩnh vực có dư nợ lớn thứ hai trong cơ cấu cho vay của OCB, chỉ xếp sau cho vay mua ô tô.

Nhìn vào cơ cấu cho vay, tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ của OCB đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua, từ mức 8,5% của năm 2023 lên mức gần 17% tổng dư nợ vào năm 2024.

Hoạt động đẩy mạnh cho vay bất động sản của OCB diễn ra trong bối cảnh tín dụng của ngân hàng tăng trưởng rất mạnh.

Năm 2024, tín dụng của OCB ghi nhận tăng trưởng 19,6%, mức cao trong ngành ngân hàng.

Ngân hàng cho biết, nhà băng đã tung ra hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức 65.000 tỷ đồng, hướng tới hơn 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với lãi suất chỉ từ 2 – 6,3%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, OCB triển khai nhiều gói vay dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm bằng USD, và các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ chuyển về OCB.

Trong khi đó, đối với khách hàng cá nhân OCB cũng triển khai nhiều gói vay thế chấp, vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các gói vay dành cho khách hàng mua nhà, khách hàng mới với mức lãi suất chỉ từ 5,2 - 6,3%.

Soi chất lượng tài sản của OCB

Dù tăng trưởng cho vay mạnh mẽ nhưng kết quả thu về của OCB bị công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá ‘kém khả quan'.

Nhà băng chỉ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước đó và chỉ hoàn thành 58% kế hoạch.

BSC nhìn nhận, kết quả không như ý của OCB đến từ việc chi phí hoạt động tăng mạnh để đầu tư vào công nghệ. Chi phí hoạt động của năm 2024 là hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, chất lượng tài sản của OCB bộc lộ nhiều vấn đề. Trong năm 2024, nhà băng phải trích lập dự phòng tín dụng tăng hơn 600 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2023. Đây là yếu tố tác động trực tiếp vào lợi nhuận của OCB.

Nợ xấu thuộc nhóm dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn của OCB đạt hơn 5.400 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng hơn 1.500 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ ở mức 3,1%, tăng mạnh so với mức 2,65% của năm trước đó.

Tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu của OCB đã tăng khá mạnh kể từ quý 1/2024. Nguồn: VNDirect Research, Báo cáo công ty.

Tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu của OCB đã tăng khá mạnh kể từ quý 1/2024. Nguồn: VNDirect Research, Báo cáo công ty.

Tuy nhiên, báo cáo thường niên của OCB cho biết, nợ xấu của nhà băng ở mức 2,38%, tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, báo cáo của nhà băng ghi nhận thêm một phần nợ là các khoản nợ chờ xử lý đã có tài sản xiết nợ, gán nợ và nợ tồn đọng có tài sản đảm bảo trị giá hơn 1.400 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2023.

Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực nợ xấu trong giai đoạn cuối năm của OCB chủ yếu đến từ các khoản vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vay mua nhà trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn.

Còn theo BSC, đa phần khoản nợ xấu đến từ nhóm khách hàng cá nhân. Nhóm khách hàng doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng hơn 10% tổng nợ xấu, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dù đã tăng cường trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB ghi nhận đã giảm xuống chỉ ở mức 47,1%, mức thấp nhất trong vòng một năm qua.

Một điểm tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 đã bắt đầu giảm xuống trong quý IV/2024, điều này tạo kỳ vọng áp lực nợ xấu tại OCB có thể đã qua đỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu cũng như trích lập dự phòng trong năm nay có thể sẽ giảm xuống.

Kỳ vọng sự hồi sinh của bất động sản phía Nam

Năm 2025 là một năm rất quan trọng đối với OCB bởi đây là năm cuối cùng để hoàn thành chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 và cũng là giai đoạn chuyển đổi cho chiến lược mới 2026 – 2030.

Trong nghị quyết về kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, ban lãnh đạo OCB sẽ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch năm 2024.

Tổng tài sản dự kiến tăng 13% so với mức thực hiện 2024, ước đạt hơn 316.000 tỷ đồng trong năm 2025. Tổng huy động và tổng dư nợ thị trường một tăng lần lượt 14% và 16% lên 218.842 tỷ đồng và 208.472 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Bên cạnh đó, nhà băng cũng sẵn sàng cho kế hoạch tăng vốn lên thêm gần 2.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ lên hơn 26.600 tỷ đồng. Đa phần nguồn vốn tăng thêm này sẽ được ngân hàng sử dụng để đầu tư vào cở sở vật chất và bổ sung nguồn vốn cho vay.

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, OCB sẽ tăng trưởng tín dụng trong năm nay nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.

“Thị trường bất động sản khu vực phía Nam, nơi OCB có tỷ trọng cho vay lớn, đang ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực”, VNDirect đánh giá.

Theo VNDirect, ở khu vực phía Nam – nơi OCB tập trung cho vay các nhà phát triển bất động sản, một số tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện, như tổng số giao dịch sơ cấp tại TP.HCM vượt nguồn cung mới, phản ánh nhu cầu mua nhà vẫn hiện hữu.

VNDirect kỳ vọng OCB sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường khu vực này. Sự cải thiện được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhu cầu ở thật ổn định; sự trở lại của dòng vốn nhà đầu tư; sự gia tăng nguồn cung từ các dự án mới và dự án được tháo gỡ nhờ Luật Đất đai sửa đổi.

Cuối cùng, lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức hấp dẫn cùng nhu cầu nhà ở thực ổn định sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho vay thế chấp của OCB.

"OCB có ưu thế khi chính sách tài sản thế chấp linh hoạt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, bao gồm tỷ lệ cho vay trên giá trị và tính thanh khoản của tài sản thế chấp", nhóm phân tích nhìn nhận.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ky-vong-bat-dong-san-phuc-hoi-ocb-manh-tay-giai-ngan-d39728.html