Ký ức về tết đầu tiên

Sau khi tái lập tỉnh Lào Cai (10/1991) thì gần một năm sau, thị xã Lao Cai xưa được trả lại vị thế là thị xã tỉnh lỵ với địa danh “thị xã Lào Cai” vào ngày 1/9/1992. Dù tái lập tỉnh vào 1/10/1991, nhưng khi ấy, tất cả cơ quan hành chính của tỉnh lên tập kết ở các khu nhà tạm tại thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu và khu vực Cam Đường do hệ thống điện và trụ sở trên thị xã tỉnh lỵ đang được xây dựng; cũng vì thế mà hầu hết gia đình cán bộ, công chức đều ở trong các căn nhà tập thể được xây dựng tạm gần đó, chưa thể lên định cư ở thị xã Lào Cai.

Niềm vui được nhân lên khi giữa năm 1992, tỉnh có chủ trương cấp đất ở cho cán bộ, công chức xung phong lên Lào Cai công tác đợt đầu (10/1991) và những hộ dân đã sinh sống lâu dài tại thị xã. Hồi đó, mỗi khi nhận được đất làm nhà trên các tuyến phố, ai cũng đều phấn khởi báo tin vui cho bạn bè, người thân dưới Yên Bái và ở mọi miền đất nước. Và vào dịp cuối năm 1992, khi điện lưới được hoàn thành, một số gia đình cán bộ, công chức đã tổ chức chia tay với bà con khu tập kết ở Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu - nơi đùm bọc, sẻ chia khó khăn, gian khổ những ngày đầu tái lập tỉnh để chuyển lên thị xã Lào Cai nhận các căn nhà tập thể mới hoặc nhận đất làm nhà chuẩn bị đón Tết.

Thị xã Lào Cai những ngày đầu tái lập. Ảnh: Phạm Ngọc Triển

Dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng với những lứa cán bộ lên Lào Cai công tác đợt đầu khi tái lập tỉnh (nay hầu hết đã nghỉ hưu) thì những kỷ niệm về mùa xuân đầu tiên đón Tết ở thị xã mới vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Đến bây giờ, cứ mỗi độ Tết đến, những câu chuyện một thời gian khó lại được ông bà, cha mẹ kể trong mâm cơm, mà lớp trẻ hôm nay ngồi nghe như chuyện cổ tích.

Những ngày áp tết Quý Mão 2023, về phố Xuân Diệu - con phố nhỏ nằm kế bên UBND thành phố Lào Cai (trước đây là trụ sở Tỉnh ủy cũ), giờ khung cảnh ở đây đã đổi thay rất nhiều, nhà cửa khang trang, đường sá sạch, đẹp, thoáng đãng. Là phố nhưng nhiều năm qua, các gia đình ở đây vẫn giữ nhiều nét sinh hoạt truyền thống một khu dân cư của các hộ công chức, viên chức lên Lào Cai những ngày đầu tái lập. Cứ dịp Tết, các gia đình lại cùng nhau tổ chức bữa cơm tất niên ở một nhà nào đó để mời nhau chén rượu xuân, ôn lại kỷ niệm một thời vất vả, gian khó, nhưng luôn đặt tình cảm lên trên hết, cả phố vẫn gắn bó keo sơn “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Ngồi bên ly rượu xuân, ôn lại kỷ niệm 30 mùa xuân đã qua, những cán bộ đã nghỉ hưu từng ấy năm bám trụ gắn bó với Lào Cai như ông Ngô Văn Hinh, ông Lương Ngọc Cấp khi ấy là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Triệu Quang Bích - nhà báo, ông Nguyễn Sỹ Vượng, cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh… Ai cũng tự hào về một thời vượt qua gian khó cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng tỉnh Lào Cai từ những ngày đầu tái lập, giờ nghỉ hưu thảnh thơi sống sum vầy cùng con, cháu.

Phiên chợ hoa Kim Tân ngày 30 Tết Quý Dậu 1993. Ảnh: Phạm Ngọc Triển

Là những người dân có mặt đầu tiên đến thị xã Lào Cai xây dựng cuộc sống mới sau ngày tái lập tỉnh, ông Đỗ Văn Mạnh ở phố Ngô Văn Sở, phường Lào Cai nhớ lại: Khu phố ông ở chủ yếu là người dân gốc xã Vạn Hòa, khi lập ra phường Phố Mới (nay là phường Lào Cai) thì Nhà nước giải phóng và cấp đất tái định cư để các hộ dân làm nhà ổn định cuộc sống. Ngày đó, các hộ chủ yếu sống bằng nghề buôn bán trên chợ biên giới và khu vực cửa khẩu Lào Cai. Sau ngần ấy năm, bây giờ cuộc sống người dân ở thành phố Lào Cai hôm nay đã có sự đổi thay rất nhiều. Những em nhỏ sinh ra vào năm đầu tái lập tỉnh (1991) đến nay cũng đã ngoài 30 tuổi. Nhiều người trong số họ hiện là cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành của tỉnh. Họ là một thế hệ công dân mới của thành phố từ sau ngày tái lập, đang và sẽ đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của Lào Cai.

Nói về sự đổi thay của thành phố Lào Cai, nhà báo Phạm Ngọc Triển, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai hồ hởi: Thành phố biên cương Lào Cai hôm nay đã khoác trên mình một chiếc áo mới, không còn là thị xã biên giới nghèo nàn, heo hút, đầy rẫy bom mìn. Thị xã Lao Cai trước ngày tái lập tỉnh với những địa danh cầu đường sắt Hồ Kiều, đồi C17, Phố Tèo, khu Đề pô Phố Mới; rồi khu Gốc Nhót, cầu Sập, Kim Thành (Duyên Hải), cửa suối Ngòi Đum (Bắc Cường)… từng là trận địa ác liệt trong chiến tranh, nay thành những khu phố sầm uất, trung tâm logistics nhộn nhịp giao thương và những khách sạn cao cấp cùng nhà hàng, khu vui chơi, giải trí hiện đại.

Từ cái tết đầu tiên (tết Quý Dậu 1993), thị xã tỉnh lỵ mới có 4 tiểu khu Kim Tân, Cốc Lếu, Duyên Hải, Lào Cai và 2 xã Đồng Tuyển, Vạn Hòa với hơn 3 vạn nhân khẩu, đến khi được công nhận là thành phố (năm 2004) tăng lên 9 phường, 5 xã. Hôm nay, sau 30 năm tái lập, thành phố Lào Cai đã rộng dài trên 17 phường, xã với 175 tuyến phố, có hệ thống hạ tầng đô thị khang trang “sáng, xanh, sạch, đẹp” trải dài từ phường Lào Cai xuống đến xã Thống Nhất bên dòng suối Bo huyền thoại. Tất cả làm nên diện mạo mới cho thành phố biên cương.

Thành phố Lào Cai hôm nay.

Mùa xuân mới vừa đến, đi qua khu chợ hoa tết trên phố An Dương Vương, bất chợt nghe loa của tổ dân phố nào đó phát bài hát “Lào Cai thành phố trẻ ta yêu” của nhạc sỹ - Nghệ sỹ Ưu tú Minh Sơn. Nghe những ca từ: “Ta đi trên đường Hoàng Liên/Nghe đất trời lồng lộng gió mênh mang/… Nhịp cầu qua sông, nhà nhà vươn cao, một sức sống đang trào dâng”…, tôi cảm nhận được ước mơ về một thành phố phát triển mà nhạc sỹ Minh Sơn gửi gắm trong ca khúc của ông 28 năm về trước nay đã thành hiện thực. Lào Cai giờ đã là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống nơi biên cương của Tổ quốc.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364077-ky-uc-ve-tet-dau-tien