'Ký ức người lính Preah Vihear'(*)
Với cựu chiến binh Phạm Thanh Chung (trú tại thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), 5 năm chiến đấu ở Preah Vihear (Vương quốc Campuchia) mãi mãi là ký ức không thể nào quên.
Không có sự êm đềm trong tuổi thanh xuân của lứa thanh niên sinh giữa thời chiến. Ngược lại, đó là những ngày tháng dữ dội nhất, đứng trước lằn ranh sinh tử.
“Nếu được lựa chọn lần nữa, tôi vẫn sẽ chiến đấu cho bình yên của đất nước, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh, cống hiến cho Tổ quốc là điều đương nhiên. “Trai thời loạn, gái thời bình/Trả xong nợ với non sông thì về”, tôi nghĩ đơn giản vậy thôi”-ông Chung cảm khái khi nói về tuổi trẻ của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc kết thúc, ông Chung còn là một cậu bé đang tuổi ăn tuổi học. Cả đất nước tận hưởng không khí hòa bình chưa được bao lâu thì “sức nóng” của chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc đã lan tới.
Ngày 7-9-1982, từ vùng quê ở xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), ông Chung lên đường nhập ngũ ở tuổi 18 để bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa” là cách ông dẫn lời trong ca khúc “Mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn để kể về những năm tháng mình đã trải qua.
Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế về Sư đoàn 307 (Quân khu 5) đóng quân ở Preah Vihear. Nơi đây có dãy núi Dangrek dài hàng trăm cây số án ngữ, trở thành bức trường thành biên giới giữa 2 nước Campuchia-Thái Lan và được quân Khmer Đỏ chọn đặt bộ chỉ huy đầu não. Vì thế, tại khu vực này, Sư đoàn 307 liên tục đụng độ với Pol Pot.
Càng thử thách khi người lính quân tình nguyện Việt Nam phải chiến đấu giữa cái nóng nung người có khi lên đến 45 độ C, dưới chân toàn đá, trên đầu nắng đổ lửa, “máu đặc lại đến giới hạn cuối cùng, cơ thể khô kiệt vì thiếu nước”. Bủa vây họ còn là các loại mìn mà địch cài dày đặc, như những kẻ thù giấu mặt.
Vừa đặt chân đến vùng đất Đông Bắc Campuchia, ông Chung lập tức cảm nhận rõ sự khốc liệt của cuộc chiến. “Hòn đá tảng chiến tranh đè nặng lên vai người lính”-ông mô tả. Đến giờ, trở đi trở lại trong tâm trí ông Chung vẫn là sự hy sinh của đồng đội, là tình đồng chí trong những lúc gian nguy.
Cựu Đại đội trưởng Đại đội 9, 10, 11 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307) nhớ lại: Trước khi hành quân chuẩn bị cho trận đánh chiếm cao điểm 677 (núi Cụt) vào tháng 12-1984, ông ngạc nhiên thấy ông Ngô Hồng Khoan, một đồng hương nhập ngũ cùng đợt tranh thủ nhét vào túi áo những tấm hình của người thân. Hỏi lý do, ông Khoan đáp, sợ trận này mất hết hình ảnh vợ con.
“Lúc đó, tôi đã có linh cảm không lành. Khi trận địa tạm im tiếng súng, tôi phát hiện anh Khoan đã hy sinh”-ông Chung hồi tưởng. Hình ảnh cuối cùng của đồng đội găm vào lòng ông Chung nỗi đau mất còn: máu loang đỏ những tấm hình vợ con nơi ngực áo, phải vuốt mắt mấy lần đồng đội mới khép mắt lại.
Chiến tranh không tránh khỏi mất mát, đau thương. Cũng ở đó, tình đồng đội, đồng chí hiển hiện rỡ ràng hơn bao giờ hết. Ông Chung xúc động chia sẻ câu chuyện của một chiến sĩ tên Đông (Trung đoàn 95). Tháng 3-1985, trong lúc hành quân, anh Đông không may bị thương do giẫm mìn, còn đồng đội đi bên cạnh hy sinh. Do chiến trận gấp gáp, chưa thể đưa thương binh và tử sĩ về tuyến sau nên đành để 2 anh ở lại bên đường với súng đạn, gạo sấy, nước uống chờ tiếp cứu, còn đơn vị tiếp tục lên đường.
14 ngày sau, kết thúc chiến dịch, đơn vị vỡ òa vì anh Đông vẫn sống. Đáng nói, trong suốt quãng thời gian đó, tuy ban ngày khỉ rừng phá phách, ban đêm thú dữ rình rập nhưng anh Đông vẫn nén đau bảo vệ đồng đội. Khi được đơn vị tìm thấy, chân anh đã hoại tử, thân hình chỉ còn da bọc xương!
Ký ức người lính Preah Vihear còn gắn liền với nhiều trận đánh như trận núi Cụt, núi Hồng. Đặc biệt, đơn vị ông Chung đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại cụm cứ điểm 547, nơi có đến 2 sư đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn hỏa lực cơ động của Pol Pot đóng giữ. Đến lần thứ 4, quân ta xóa sổ sào huyệt của Pol Pot.
Trong khi đó, tại cao điểm 606, những người lính Sư đoàn 307 cũng đổ bao xương máu canh giữ, bảo vệ ngôi đền cổ Preah Vihear khỏi sự tàn phá của chế độ Pol Pot-Iêng Sary, để sau đó, ngôi đền ngàn năm tuổi được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa thế giới.
Những câu chuyện nối tiếp nhau khiến tôi càng hiểu thêm vì sao quân tình nguyện Việt Nam được người dân nước bạn gọi là “Đội quân nhà Phật”. Ông Chung kể: “Tôi nhớ mãi buổi sáng đánh trận Ngã Ba Biên (Thái Lan-Campuchia-Lào). Tầm 9 giờ sáng, tôi dẫn Trung đội 3 tiến lên cao điểm 531. Tôi đi trước, vừa lên gần tới đỉnh thì một tiếng nổ vang lên, khói mù mịt bao trùm. Tôi thụp xuống nép vào gốc cây, nghe phía sau đồng đội kêu lên: “Chung bị mìn rồi, lên tìm khiêng xuống!”.
Tôi tiếp tục vượt lên thì thấy một lính Pol Pot nữ còn trẻ đang ôm chân đau đớn. Thì ra, lúc phát hiện ra tôi, cô này bỏ chạy và bị dính mìn do chính quân Pol Pot gài lại!”. Dù trước mặt là kẻ thù nhưng lòng nhân ái đã thôi thúc ông để lại một ít gạo sấy, mì tôm và nước uống cho lính nữ này rồi lẳng lặng lui xuống.
Sống thay cho đồng đội nằm xuống
Đầu tháng 12-2024, ông Chung có một chuyến đi đáng nhớ khi lần thứ 2 cùng đồng đội trở về chiến trường xưa nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trưởng đoàn là Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng-Cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Bác sĩ Xáng cho hay, tuy không cùng sư đoàn nhưng tinh thần nhiệt thành vì đồng đội của ông Chung đã gắn kết họ với nhau. Trong hành trình vô cùng ý nghĩa lần này, cả đoàn đã đến thăm Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại Stung Treng; viếng nghĩa trang cũ Sraem, nơi từng chôn cất nhiều liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Họ cũng thăm đền Preah Vihear, thắp hương tưởng nhớ đồng đội Mặt trận 579 và Đại tá Trương Hồng Anh-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, vị tướng tài đã hy sinh tại chân núi Dangrek ở tuổi 36.
Ngoài ra, đoàn còn thăm Hội Khmer-Việt Nam và tặng 10 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho bà con Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn. Đáng nói, suốt hành trình của đoàn có sự đồng hành của Trung tướng Try Som Rith-Phó Tham mưu trưởng Quân khu I (Quân đội Hoàng gia Campuchia).
Đại tá Vương Hữu Quyên-nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95 (Sư đoàn 307), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5: “Anh Phạm Thanh Chung dũng cảm trong chiến đấu, là một trong những chỉ huy có năng lực suốt những năm tháng ở chiến trường. Từng làm đại đội trưởng 3 đại đội, anh tham gia hầu hết các trận đánh lớn của Trung đoàn, tỏ rõ bản lĩnh, tinh thần đồng cam cộng khổ. Khi về với đời thường, anh tâm huyết đứng ra vận động tổ chức lễ cầu siêu cho những đồng đội đã ngã xuống; vận động đóng góp nguồn lực cho Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”.
Đau đáu niềm mong, anh Chung sớm trở lại chiến trường xưa để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, góp công lớn trong củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Dù mang trong mình bệnh nan y nhưng anh vẫn luôn dấn thân. Đây là nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ tình cảm sâu sắc với đồng chí, đồng đội”.
“Thật xúc động khi chúng tôi cùng thăm lại thành cổ Koh Ker-thủ đô đầu tiên của đế chế Angkor. Trung tướng Try Som Rith chỉ cho tôi thấy từng chỗ ông cùng anh Chung và đồng đội sát cánh chiến đấu, vị trí anh em hy sinh ra sao”-bác sĩ Xáng bồi hồi chia sẻ.
Trong mắt người Thầy thuốc Nhân dân, ông Chung là người luôn hết lòng vì anh em, đồng đội. Trở lại với cuộc sống thường ngày không một chức vụ gì nhưng hễ ông Chung đứng ra vận động, tổ chức gặp mặt cựu lính tình nguyện Việt Nam thì mọi việc “đâu ra đó”, tiền hô hậu ủng.
Mới đây, ông Chung tổ chức thành công cuộc gặp của anh em Trung đoàn 95 tại TP. Nha Trang. Buổi hội ngộ có một số tướng lĩnh của Campuchia về dự với tư cách là cựu lính Sư đoàn 307. “Anh Chung phát hiện bị ung thư dạ dày cách đây vài năm, đã cắt bỏ 3/4 dạ dày nhưng nhờ tinh thần lạc quan nên anh vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa”-bác sĩ Xáng cho hay.
Năm 2022, giữa biến cố sức khỏe, ông Chung còn ra mắt tập sách “Ký ức người lính Preah Vihear” (Nhà xuất bản Đà Nẵng) khiến đồng đội không khỏi mến phục. Là bởi, cả 42 bài viết trong tập sách đều được ông gõ cọc cạch trên… điện thoại thông minh, trong thời gian xạ trị ở Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. “Thể xác đau đớn quá, tôi viết cho quên đi sự hành hạ của bệnh tật”-ông nói.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, cây bút tài hoa xứ Quảng, cũng từng là người lính bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nhận xét: “Rất khó nhọc và kỳ công, anh Phạm Thanh Chung mới hoàn thành bản thảo tập sách. Dù viết trực tiếp trên điện thoại thông minh và không chỉnh sửa nhưng những bài viết của anh câu cú rất chuẩn, ý tứ diễn đạt gọn gàng, mạch lạc không chê vào đâu được. Không chỉ là ký ức của người lính về chuyện lính nơi chiến trường, tập sách còn là những tư liệu quý và đáng tin cậy, không thể tìm thấy trong sử sách”.
Ông Chung kể, đời lính chiến của ông sau khi rời quân ngũ năm 1987 không suôn sẻ gì. Ngày đó chưa kịp học hành bài bản đã đi lính nên khi ra quân ông xin việc khắp nơi mà chỉ nhận được những cái lắc đầu, đành làm “thợ đụng” mưu sinh. Đời sống bấp bênh nên mãi đến hơn 10 năm sau đó, ông mới dám lập gia đình, chồng làm nghề lái xe máy xúc, máy ủi công trình, vợ mua bán nhỏ vun vén gia đình. Giờ thì con gái đầu vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản), con trai đang học lớp 11.
Nhìn lại bao thăng trầm đã qua, người lính Preah Vihear năm nào chia sẻ động lực giúp ông vượt qua tất cả: “Tôi cố gắng để sống và sống tốt với phần đời còn lại mà đồng đội đã hy sinh, dành phần cho tôi”.
------------------
(*): Tên tập sách của cựu chiến binh Phạm Thanh Chung.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-uc-nguoi-linh-preah-vihear-post304865.html