Ký ức người lái phà trên bến Âu Lâu

Bến phà Âu Lâu chở bộ đội, vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí đạn dược qua sông năm xưa giờ đã là di tích lịch sử quốc gia.

Hàng chục năm trôi qua song ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người.

Ngày giấu phà, đêm chở bộ đội qua sông

Ông Phạm Trung Tốn (trái) và ông Nguyễn Văn Tiến bên chiếc ca nô lai dắt phà đầu tiên trên bến Âu Lâu.

Những ngày tháng 8, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Trung Tốn (96 tuổi, ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).

Gần 60 năm tuổi Đảng, ông là người chở phà qua ba cuộc chiến (chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới). Dù tuổi cao, hơi nặng tai, nhưng ông vẫn nhớ như in về những ngày tháng oanh liệt thuở nào.

Ông Tốn quê huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 20 quân giới, chuyên sửa chữa, chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch Việt Bắc và Thu Đông năm 1947, rồi đến chiến dịch Biên giới 1950.

Công trình tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu là dự án có ý nghĩa rất quan trọng. Sở đã phối hợp chặt chẽ với TP Yên Bái trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Hy vọng, dự án sẽ về đích trong năm nay để kịp đưa vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/2024.

Ông Nguyễn Lâm Tới, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái

Chậm rãi nhấp ly nước, ông Tốn nhớ lại, năm 1952, ông được điều sang lái phà trên bến Âu Lâu.

Tới năm 1953, tiểu đoàn quân giới cùng nhân dân xã Âu Lâu đóng ba phà ghép bằng gỗ, có trọng tải 8 tấn.

Phà chạy bằng sức người, mỗi chuyến qua sông dùng 12 công nhân đẩy lên phía thượng nguồn sông Hồng chừng 300m, sau đó thả xuôi theo dòng nước và chèo bằng tay chèo để dần qua sông.

Vất vả nhất là khi chở xe và pháo hạng nặng, phải huy động thêm dân công cùng nhân dân giúp sức.

Đến tháng 3/1953 bến phà Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn, có ca nô lai dắt. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ điều khiển máy nổ.

"Ca nô được chế tạo từ những chiếc thùng phuy, nhưng vào thời điểm đó như thế là hiện đại lắm rồi.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến làm thuyền trưởng trực tiếp lái phà, mỗi đêm chở hàng chục chuyến xe, pháo cùng bộ đội, dân công qua sông", ông Tốn kể và cho biết, nhờ cano, mỗi đêm phà chạy được 30 - 40 chuyến, chở xe, pháo và bộ đội qua sông.

Để tránh máy bay địch bắn phá, ban ngày phà được kéo vào suối Ngòi Lâu, cách bến Âu Lâu khoảng một cây số, rồi dìm xuống nước giấu dưới những rặng tre.

"Chúng tôi phải cho nước chảy vào phà rồi chất đá mới dìm được phà xuống lòng ngòi suối Ngòi Lâu. Đến 5h chiều lại dỡ đá ra vớt phà lên.

Sau khi bịt hết các lỗ thủng, khoảng 30-40 dân công dùng xô, chậu tát nước từ lòng phà ra cho phà nổi lên mặt nước.

Đêm đến, phà mới nổ máy hoạt động, hai phía bờ sông có người cầm đèn bão làm tín hiệu", ông Tốn kể.

Vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí

Suối Ngòi Lâu nơi cất giấu phà, thuyền tránh máy bay giặc Pháp.

Theo ông Tốn, gian khổ nhất là vào mùa lũ, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết. Những khúc gỗ, rác trôi từ thượng nguồn đổ xuống đâm bình bịch vào mạn phà. Rác quấn vào chân vịt làm ca nô thường xuyên chết máy.

Mỗi lần như thế, ông phải tắt máy rồi cùng anh em lặn xuống nước để gỡ. Những người còn lại thì dùng sào chống chọi với dòng nước để phà không bị trôi.

"Hồi đó, tôi là người lặn nhiều nhất và ở dưới nước lâu nhất, nên một bên tai tôi nghe không rõ nữa", ông Tốn bộc bạch.

Từ lời kể của ông Tốn, chúng tôi tìm gặp một nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Chí (86 tuổi, ở thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu).

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông Chí bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trên bến Âu Lâu cách đây gần 70 năm về trước.

Ông Phạm Trung Tốn hồi tưởng lại với phóng viên Báo Giao thông.

Ông bảo, riêng tại bến phà Âu Lâu cả thôn có 20 thuyền nan với 40 tay chèo, mỗi thuyền chở 8 - 9 người nườm nượp tiến lên Tây Bắc đông như trảy hội.

Cũng giống như phà, do ban ngày địch bắn phá nên người dân trong xã phải giấu thuyền ở suối Ngòi Lâu rồi ban đêm lại đưa thuyền ra.

"Những ngày ấy khí thế đánh giặc của bộ đội lên cao nên chúng tôi chèo thuyền suốt đêm không biết mệt. Cứ xong một chuyến đưa bộ đội sang sông an toàn lại có thêm động lực để tiếp tục chèo thuyền vượt sông", ông Chí nói.

Tranh thủ những thời điểm nước rút, chính quyền tỉnh Yên Bái huy động nhân dân trong vùng vừa tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông vừa thi đua tăng tần suất những chuyến phà.

Mỗi chuyến phà qua sông từ 30 phút đã giảm xuống 15 phút, tần suất tăng từ 8-9 xe qua phà/đêm lên 30-50 xe, thậm chí 93 xe/đêm.

Từ tháng 4/1952 cho tới khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng gần 200.000 lượt ô tô, hàng vạn lượt bộ đội, dân công được vận chuyển qua bến Âu Lâu an toàn.

Tiếp tục lưu dấu giá trị lịch sử

Phối cảnh Di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu được Yên Bái chi gần 15 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo.

Nhờ những chiếc đò nan, phà gỗ qua sông mỗi đêm, nhân dân xã Âu Lâu đã góp phần công sức tạo nên thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Bắc; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sau này, bến Âu Lâu vẫn là tuyến huyết mạch nối hai bờ sông Hồng. Ngày 30/12/1992, cầu Yên Bái được khánh thành cũng là lúc bến phà Âu Lâu kết thúc sứ mệnh sau gần 40 năm hoạt động.

Ngày nay, di tích lịch sử bến Âu Lâu đứng sừng sững phía tả ngạn sông Hồng, thuộc phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái. Bờ hữu thuộc xã Âu Lâu, nằm im lìm dưới những rặng tre xanh ngắt, ngay cửa Ngòi Lâu chảy ra sông Hồng.

Để lưu dấu giá trị lịch sử, tỉnh Yên Bái đã xây dựng tượng đài bến Âu Lâu nơi ngã ba đường thuộc phường Nguyễn Phúc. Ngày 7/8/2012, bến Âu Lâu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2020, TP Yên Bái lập kế hoạch tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu. Dự án được thực hiện trong thời gian ba năm (2021-2023) với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Yên Bái cho biết, khi làm dự án, dự kiến ban đầu sẽ di dời tượng đài tại ngã ba đường ra sát bờ sông.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn cũng như các chuyên gia, thành phố đã quyết định giữ nguyên hiện trạng tượng đài hiện có.

Riêng hạng mục xây dựng nội dung phù điêu gần 1,25 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận thành lập hội đồng nghệ thuật và sẽ lựa chọn đơn vị thực hiện sau khi chọn được nội dung phù điêu.

Hà Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-uc-nguoi-lai-pha-tren-ben-au-lau-192230828102647195.htm