Ký ức giêng hai
Nhắc đến hai tiếng 'giêng hai' là bao kỷ niệm về một thời khốn khó, cơ cực nhưng đầy tình yêu thương trong tôi lại ùa về với biết bao thương nhớ.
Một sáng giêng hai, ngồi bên cửa sổ nhìn ngắm những chú chim đang chuyền cành hót líu lo trên vòm cây bưởi đầu ngõ. Ngoài trời, mưa xuân bay lất phất, những bông hoa bưởi đung đưa trước những cơn gió nhè nhẹ. Với nét đẹp của riêng mình, giêng hai gieo vào hồn người những thương nhớ, vấn vương. Ta say sưa ngắm nhìn khoảnh khắc đó, cảm nhận niềm yêu thương đang nảy nở trong tâm hồn. Chợt thấy lòng ngân lên một khúc nhạc êm ái, tâm hồn thấy thư thái.
Nhà tôi ở trước cánh đồng, mỗi sáng thức giấc tôi mê mẩn ngắm cánh đồng lúa giêng hai đang thì con gái. Xanh tươi mơn man, một màu xanh trải dài bất tận, màu xanh nối từ ruộng này tới ruộng kia như một tấm lụa mùa xuân mềm mại. Tấm lụa ấy, mỗi khi mưa xuân lất phất bay lại tạo thành các hạt ngọc nhỏ li ti. Chỉ cần một cơn gió nhẹ lùa qua, những hạt ngọc nhỏ lại rời bỏ lá non mà lăn tròn xuống gốc ẩn trốn. Không khí buổi sáng trong lành đến lạ, từng rặng lúa lung linh dưới ánh nắng vàng...
Xa xa, trên những con đường ra đồng, người nông dân ra thăm ruộng từ rất sớm. Với bàn tay khéo léo cần mẫn của người dân quê, trong đó có cha mẹ tôi đã khoác cho cánh đồng quê hương bộ quần áo mới. Họ chăm chút cho từng mảnh ruộng như chăm cho đứa con thơ dại của mình. Không chăm chút sao được, khi ruộng vườn là cuộc sống, là miếng cơm manh áo, bao hy vọng tương lai của con cháu cũng từ mảnh ruộng đó mà được chấp cánh bay xa. Chỉ mươi hôm nữa thôi, tấm lụa màu xanh ấy sẽ được khoác lên mình bộ quần áo mới vàng tươi, rực rỡ.
Tôi còn nhớ, giêng hai là thời điểm vô cùng đặc biệt của gia đình tôi cũng như người dân quê tôi ngày trước. Xưa kia, tôi thường nghe nội tôi dặn mẹ: “Giêng hai dài lắm, con nhớ chi tiêu cho hợp lý”. Lúc đó còn nhỏ, tôi chẳng hiểu, sau này lớn lên chút nữa, khi trải qua những bữa cơm cơ cực mùa giêng hai, tôi mới thấm thía lời nội dặn mẹ. Giêng hai đến, đồng nghĩa với giáp hạt, chưa đến vụ mùa sau nhà tôi đã đứt bữa, cha mẹ chạy vạy từng bữa ăn.
Hồi đó, nhà tôi nghèo nhất, nhì trong làng, nhà đông con lại đang tuổi ăn tuổi học. Giêng hai là khoảng thời gian đáng sợ của gia đình tôi, bao nỗi nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai của cha mẹ. Giêng hai không có việc để làm, cha tôi đi làm thuê cho người ta, mẹ tôi xoay xở bằng mọi cách để chúng tôi có miếng ăn qua bữa.
Giêng hai quê tôi, mỗi nhà, mỗi cảnh nên giêng hai giáp hạt cũng dài, ngắn khác nhau. Nó bắt đầu với hình ảnh chum gạo trong nhà ngày càng vơi dần, cha trầm tư nhìn xa xăm, mẹ tựa cửa thở dài trong lo lắng. Những bữa cơm mùa giêng hai cứ vơi dần, ít gạo đi và độn nhiều khoai sắn. Từ một ngày ba bữa cơm thì chỉ còn một bữa rưỡi. Tôi nhớ mãi, nồi cháo mẹ nấu ngày đó. Nhà hết gạo, cả nhà có sáu miệng ăn, trong chum chỉ còn một nắm gạo, mẹ lấy gạo đó, nấu một nồi cháo thật to rồi hái rau lang, cắt nhỏ bỏ vào nồi cháo để chị em chúng tôi qua cơn đói.
Giờ đây, khi đã qua những mùa giêng hai cơ cực. Nhiều lúc, nhớ những năm tháng đó, lòng tôi lại thấy nhớ thương. Nhớ nồi cháo rau lang mẹ nấu mùa giêng hai, thương lắm nồi cơm độn khoai sắn ăn với cà muối mẹ nấu ngày mưa. Nhớ những ngày khốn khó cả nhà đầm ấm, quây quần bên nhau. Thương lắm sự tần tảo, dầm mưa dãi nắng của cha mẹ để những đứa con được khôn lớn, trưởng thành. Cảm ơn giêng hai đã cho ta những ký ức ngọt ngào và đầy thương nhớ.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-uc-gieng-hai-211523.htm