Kỳ II: phát triển nông nghiệp bền vững
Như chúng tôi đã đề cập, thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại này còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện triệt để, đồng bộ, ảnh hưởng đến môi trường, vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chung tay của người dân để bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, vì nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trong khâu thu gom, mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhưng theo cả quy định và thực tế đều chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, mỗi năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 100 tấn thuốc BVTV, số bao gói phát sinh sau sử dụng khoảng 5 tấn. Để chứa được số bao gói này cần đến 18.000 bể. Đồng thời, việc xây dựng, lắp đặt các bể chứa cũng phải được thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn về quy cách, vị trí.
Cụ thể, dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 1m3, có nắp đậy kín. Nắp bể chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 5cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng, bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.
Về vị trí lắp đặt và số lượng bể chứa, tối thiểu phải có 1 bể chứa trên diện tích 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện có trên 7.600 bể chứa bao gói thuốc BVTV, mới chỉ đáp ứng 35% số lượng bể chứa theo quy định. Về lâu dài, vẫn cần tập trung xây dựng, lắp đặt bổ sung đủ số lượng bể chứa bao gói thuốc BVTV đã sử dụng theo quy định.
Sau khi được lắp đặt, bể chứa sẽ giao cho chính quyền cơ sở quản lý sử dụng. Thực tế, việc tổ chức thực hiện tại các địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Tính từ năm 2017 đến nay, Sở NN&PTNT, các địa phương đã xây dựng mới, bổ sung, thay thế gần 5.300 bể chứa không đúng quy cách và bàn giao cho chính quyền cơ sở sử dụng, quản lý.
Tuy nhiên, hiện còn gần 100 bể không đúng quy cách, một phần do khâu quản lý, sử dụng chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tình trạng các bể chứa xuống cấp, vỡ, nứt, mất nắp... Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh giảm 40 bể do không đảm bảo quy cách, không thể sử dụng.
Ngoài ra, dù công tác tuyên truyền, phổ biến đã được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng người dân xả thải vỏ thuốc bừa bãi trên cánh đồng, kênh mương, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước. Tình trạng “quá tải” cho các bể chứa, giảm hiệu quả thu gom, tăng chi phí xử lý còn xảy ra.
Thông tư liên tịch 05 của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT quy định rõ: Bao gói thuốc BVTV sau thu gom phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Cần hiểu thêm rằng, xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng là nội dung quan trọng được quy định trong tiêu chí số 17 về môi Trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí Quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo tiêu chí này, tỷ lệ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100% tất cả các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác xử lý gặp nhiều khó khăn do quy định đặc thù cần nguồn chi phí cao, trong khi đó nguồn kinh phí do các địa phương chủ động bố trí còn hạn chế.
Theo tổng hợp của Sở TN&MT, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh đã được thu gom đến thời điểm cuối năm 2023 ước tính hơn 22 tấn nhưng chỉ có gần 40% được xử lý, tiêu hủy đúng quy định. “Vướng” trong khâu xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, khi các bể chứa đã đầy, nhiều địa phương đã “ứng biến” bằng cách... chôn lấp hoặc đốt, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Vĩnh An- Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở TN&MT, vận chuyển vỏ thuốc BVTV phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn cần chi phí khoảng 40 - 50 triệu đồng/tấn. Hiện địa bàn tỉnh có 2 đơn vị đủ điều kiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động, đảm bảo xử lý khoảng 99,6%. Toàn tỉnh mới chỉ có 3 huyện: Lâm Thao, Đoan Hùng, Thanh Ba bố trí kinh phí, ký hợp đồng với đơn vị đủ chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, cũng chỉ mới xử lý được một phần do nguồn kinh phí bố trí theo các năm chưa đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc thực tế.
Tập trung tháo gỡ, xử lý triệt để sau thu gom
Chưa đủ số lượng bể chứa theo quy định, nhu cầu thực tế, chưa thực hiện được giải pháp xử lý triệt để sau thu gom đã và đang là bài toán cần lời giải của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để bảo vệ môi trường đồng ruộng sạch, an toàn, từng bước thực hiện mục tiêu nền nông nghiệp xanh, bền vững, mỗi cấp, ngành, tổ chức, cá nhân cần hiểu rõ, tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Các địa phương cần tiếp tục bố trí, đầu tư, tăng cường kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý như: Đầu tư xây mới bể chứa, kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; xe thu gom chuyên dụng phục vụ vận chuyển bao gói thuốc BVTV từ các khu vực thu gom về nhà lưu chứa tạm thời và bố trí kinh phí xử lý lượng bao gói thuốc BVTV hàng năm. Tiến hành thu gom, xử lý thường xuyên bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thông qua các hoạt động xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân.
Đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải được tiến hành trên nguyên tắc bắt buộc, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước là chủ đạo, sự tham gia của người dân mang tính quyết định, phải có cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm thu gom, phải có hợp đồng và quy chế rõ ràng... Quy định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng trong quản lý bao gói thuốc BVTV. Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính kết hợp giữa kinh phí từ ngân sách với huy động sự đóng góp của cộng đồng trong thu gom, tập kết, xử lý bao gói thuốc BVTV.
Đảm bảo cho người thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cũng được hưởng các chế độ và quyền lợi như đối với người lao động khác, tiến tới hoạt động quản lý bao gói thuốc BVTV theo hướng chuyên môn hóa. Hơn hết, Nhà nước cần nghiên cứu nâng cao trách nhiệm của đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc BVTV, có cơ chế thông qua chính sách thuế để giảm bớt gánh nặng lên ngân sách.
Song hành với đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạn chế phát thải rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp cần được khuyến khích, có cơ chế thuận lợi để duy trì, nhân rộng. Đặc biệt, các địa phương cần triển khai mạnh mẽ việc sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học bởi giải pháp này không chỉ bảo vệ môi trường sống mà tương lai có thể đề xuất phương pháp xử lý thuận tiện, quy trình đơn giản, tốn ít chi phí hơn.
Quy trình xử lý bao gói BVTV sau sử dụng đã có, tuy nhiên để xử lý đúng, triệt để cần phải triển khai đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, trong đó cần cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở từng khâu của quy trình. Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng có thể được xếp vào nhóm dịch vụ công ích, phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, vì vậy Nhà nước, các cấp chính quyền đóng vai trò quyết định phương thức cung ứng nhằm bảo đảm ổn định, hiệu quả. Bên cạnh đó, rất cần đến ý thức tự giác của người sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe chính bản thân họ, người thân và môi trường sống...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-ii-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-217529.htm