Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; Phương án phân bổ ngân sách Trung ương và Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, tập trung phân tích nhiều vấn đề nổi cộm cũng như các giải pháp về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) bày tỏ vui mừng trước sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ báo cáo. Song đại biểu băn khoăn về sự chênh lệch giữa năng suất lao động và thị trường lao động: vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng? bài toán chênh lệch cung cầu, vừa thừa vừa thiếu lao động; làm thế nào để thích ứng với thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các cơ hội việc làm mới hậu COVID-19?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu, nguyên nhân của sự chênh lệch về cung cầu lao động và năng suất lao động là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động. Bên cạnh đó là do sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường.

Các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao, song tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 20-25% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản. Do tay nghề lao động, kỹ năng số chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Do tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn.

Trước thực tế đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương. Cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất Quốc gia thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm phù hợp với hình thái việc làm, nghề nghiệp mới, quan hệ lao động mới. Ngoài ra, việc vận hành hiệu quả Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Đề cập đến vấn đề tăng tính công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất sớm hoàn thiện thống kê, công bố đầy đủ, minh bạch hơn về các chỉ tiêu năng suất lao động của các địa phương, ngành, lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp để hoàn thiện bức tranh tổng thể về năng suất lao động Việt Nam, làm cơ sở để so sánh thi đua tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Gắn kết đào tạo với việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó việc liên kết hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để có thể có đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành.

Để người lao động chủ động hơn khi tiếp cận các cơ hội việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần triển khai hiệu quả hỗ trợ về cơ chế, kinh phí để người lao động có thể tham gia đào tạo, đào tại lại nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Cùng với đó, ở cấp học phổ thông, việc đưa một số nội dung khoa học công nghệ, khoa học cơ bản vào các chương trình đào tạo cũng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và sắp tới.

Cùng tham gia thảo luận tại hội trường, bên cạnh khẳng định những kết quả, những khó khăn hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những thách thức trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế- xã hội của đất nước. Trong đó, nhiều đại biểu có đề xuất các giải pháp để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao/d20221028175134401.htm