Kon Tum: Nhiều bất cập trong phát triển các thủy điện vừa và nhỏ

Kon Tum là tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc biệt, thuận lợi cho việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ. Tính đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh có 55 vị trí thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, có nhiều bất cập không nhỏ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân vùng dự án.

Tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ

Tỉnh Kon Tum có địa hình đồi núi chia cắt, có độ dốc cao, mạng lưới sông, suối và khe nhỏ dày đặc, kết hợp với việc ảnh hưởng gió mùa tác động đến hai vùng đông, tây dãy Trường Sơn nên thường gây ra mưa nhiều, lượng mưa cao so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, rất thuận lợi cho việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có các thủy điện lớn như Plei Krông (100MW); có 5 nhà máy thủy điện liên tỉnh giữa Kon Tum - Gia Lai với công suất 1.511 MW (Ialy, Sê San, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A); 1 nhà máy thủy điện liên tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi là Đắk Đrinh (125MW) và 1 công trình đang thi công trong tỉnh là thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW)..

Các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện đang được vận hành đã góp phần tích cực giữ vững an ninh năng lượng, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, lưu thông hàng hóa tại địa phương.

Tính đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh có 55 vị trí thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch, tổng công suất lắp đặt máy 604,9MW, trong đó 22 công trình đã hoàn thành việc hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 210,4MW; 11 công trình đang được triển khai xây dựng với tổng công suất 201,4MW…

Ngoài ra, có 11 công trình đang trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch; 17 công trình đang được khảo sát, lập thủ tục hồ sơ xin chủ trương bổ sung quy hoạch. Dự kiến sau khi đưa các vị trí công trình vào vận hành phát điện thì nguồn ngân sách địa phương hàng năm ước đạt 600 tỷ đồng/năm.

Nhiều khó khăn trong việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ

Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum, bên cạnh những tiềm năng, việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân vùng dự án như chiếm đất canh tác, công tác tái định canh, đền bù hỗ trợ phát sinh kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cụ thể, với thủy điện vừa và nhỏ theo tính toán mức độ ảnh hưởng chiếm đất của 1MW là 5,3 ha/công trình. Việc kiểm kê bồi thường đã được thực hiện nghiêm túc nhưng sau khi được bồi thường các hộ dân lại mua sắm, đầu tư thiết bị phục vụ sinh hoạt, chưa quan tâm đến đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Do đó, các hộ dân sau một thời gian không có đất sản xuất, đời sống lại trở lại khó khăn. Đồng thời, công tác tái định canh, hỗ trợ, bồi thường phát sinh sau khi tích nước kéo dài làm tăng thêm phần khó khăn cho người dân trong vùng dự án, làm phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện của người dân.

Một dự án thủy điện trên địa bàn Kon Tum. Ảnh: TNMT

Cùng với đó là nhiều khó khăn được đặt ra như: vị trí địa lý các dự án thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, chưa có đường giao thông đến công trình nên việc mở đường giao thông sẽ ảnh hưởng đến môi trường, rừng và đất rừng; việc duy trì dòng chảy sinh thái cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề cung cấp nước sản xuất vùng hạ lưu đập, ảnh hưởng môi trường sinh thái.

Đồng thời, tiến độ đầu tư hệ thống điện truyền tải chưa đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện dẫn đến việc khó khăn đấu nối. Một số dự án giảm tiến độ thực hiện dự án, ngừng thi công, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế địa phương. Nhiều chủ đầu tư cũng chưa thực hiện đúng cam kết hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội tại địa phương có dự án, đặc biệt với con em đồng bào dân tộc thiểu số, do đó không được sự đồng thuận của chính quyền, nhân dân trong vùng dự án.

Theo ông Nhất, để tháo gỡ những khó khăn trên, đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ quy hoạch, chưa triển khai, nếu chiếm dụng quá 10ha đất các loại, di dời quá 01 hộ dân với 01MW công suất lắp máy ảnh hưởng đến ruộng lúa nước, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên thì đề nghị chủ đầu tư rà soát lại để đảm bảo điều kiện yêu cầu; nếu không đảm bảo có thể tham mưu loại khỏi quy hoạch.

“Cần hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện, lưới điện” - ông Nhất cho biết thêm.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-nhieu-bat-cap-trong-phat-trien-cac-thuy-dien-vua-va-nho-124764.html