Kinh tế Việt Nam phục hồi theo kịch bản nào?-Kỳ III: Kế sách phát triển nhanh và bền vững (tiếp theo và hết)

Để nền kinh tế Việt Nam hồi phục với hai yêu cầu: Nhanh và bền vững, chúng ta cần có những giải pháp gì? Đặc biệt là những giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ diễn biến của kinh tế thế giới?

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã nhận được câu trả lời từ các chuyên gia kinh tế: Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

TS Lê Đăng Doanh: Để tăng trưởng và tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải cải cách thể chế như Nghị quyết Đại hội XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định. Chúng ta phải giảm bớt quy định hành chính, giấy phép con, chuyển mạnh sang kinh tế số, Chính phủ điện tử.

Chúng ta phải “cởi trói” cho các doanh nghiệp và thực hiện công khai, minh bạch. Chúng ta cần công khai các thông tin, các vấn đề của doanh nghiệp đã được giải quyết như thế nào, các quyết định về doanh nghiệp, trên các trang thông tin chính thống của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Chúng ta cần phải hướng đến nền kinh tế gần dân, đối thoại với dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Công an nhân dân

Có thể thấy, những tác động tiêu cực trên thế giới có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, vậy để đáp ứng hai yêu cầu phát triển và bền vững, Việt Nam cần làm gì nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ diễn biến của kinh tế thế giới?

Theo tôi, Việt Nam có thể giảm thiểu những tác động từ bên ngoài bằng cách tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế. Có nghĩa là, Việt Nam cần có những dự trữ nhất định. Hiện tại, Việt Nam đã có dự trữ về gạo, lương thực; dự trữ nhất định về xuất nhập khẩu, ngoại tệ; có xuất khẩu thặng dư. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong nền kinh tế đang còn thấp, ví dụ chúng ta xuất khẩu nhiều thủy sản thô chưa qua chế biến; xuất khẩu gạo nhưng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm cơ bản. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao giá trị gia tăng bằng cách tiến tới xuất khẩu những mặt hàng đã qua tinh chế chứ không phải sản phẩm thô, giá trị thấp.

Chúng ta cần tăng cường kết nối với các thị trường thế giới; đa dạng hóa thị trường; ngoài việc giữ các thị trường quen thuộc là những đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu… chúng ta cần mạnh dạn mở rộng thị trường tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tiềm năng chưa được khai thác như: Châu Phi, Trung Đông…

Một điều quan trọng nữa, đó là cần đẩy mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0, giảm bớt thời gian chi phí của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; kết nối trực tiếp các chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản với các đối tác.

Các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.

TS Nguyễn Quốc Việt: Chính phủ cũng vẫn đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 với kỳ vọng sẽ bù lại sự sụt giảm các động lực tăng trưởng từ đầu tư tư nhân hay kinh tế đối ngoại. Sự gia tăng đầu tư công nói chung và những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương nói riêng là động thái quan trọng của kích cầu trong nước, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Ảnh: Tạp chí điện tử đầu tư tài chính

Khó khăn thách thức tăng trưởng khi phải đối mặt với các “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới, cũng là cơ hội cho Việt Nam nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong, nhất là các động lực nhằm bảo đảm sự tự chủ nền kinh tế, cải thiện năng lực của Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc và rủi ro kinh tế toàn cầu đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây những bất ổn về an sinh xã hội và trật tự an ninh quốc gia.

Yếu tố cần chú trọng đó chính là phát huy và tăng cường nội lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước. Với hơn 97% doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nam vẫn còn rất hạn chế, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) phản ánh năng suất và hiệu quả sản xuất của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp FDI, đồng thời tốc độ tăng TFP cũng không cao.

Công tác dự báo và đánh giá chính sách cũng cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa. Các ngành và các cấp cần thường xuyên cập nhật các chính sách và đặc biệt công bố các dữ liệu để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách cũng như báo chí có thể tham gia thực hiện đóng góp và dự báo tình hình kinh tế và có những góp ý điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa bảo đảm mục tiêu phát triển và phục hồi tăng trưởng bền vững trong năm 2023.

Để kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và bền vững, cần nhiều giải pháp. Ảnh minh họa: Một góc TP Hồ Chí Minh chụp từ trên cao/Getty Images

Ông Shantanu Chakraborty: Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã chủ động trong phản ứng chính sách, mặc dù hiệu quả thực thi cần được cải thiện. Trọng tâm trước mắt là thúc đẩy nhu cầu bằng chính sách tài khóa, đồng thời duy trì chính sách tiền tệ mang tính nới lỏng.

Đối với đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước: Cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.

Tôi muốn nói thêm rằng, đây cũng là thời điểm thuận lợi để có những giải pháp dài hạn hơn bằng đầu tư công và cải cách chính sách và pháp luật.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng cao và bền vững vẫn còn gây tranh cãi về tính bổ sung hay phân chia, và điều này phụ thuộc vào việc mỗi quốc gia tìm ra cho mình con đường bền vững phù hợp với mình, cũng như ý thức được sự đánh đổi tiềm năng cũng như cơ hội hợp lực.

Việt Nam với nền kinh tế có độ mở cao (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 170% GDP) thì thị trường bên ngoài vẫn rất quan trọng. Không có công thức xác định nào cho thành công cả và Việt Nam đã làm tương đối tốt trong việc chủ động ứng phó đối với tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: Tạp chí tài chính Online

Trong nước, cần gắn tính bao trùm và bền vững trong phát triển: Gắn phát triển thị trường với các chính sách xã hội và môi trường thông qua tăng cường phát triển khu vực tư nhân với việc thực hiện hiệu quả các chính sách đó. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và đây là điểm mà Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi.

Ông Lê Hoàng Anh: Theo tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện để tăng trưởng kinh tế đạt được cao nhất và bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Điều đầu tiên cần làm là kết thúc tháng 8, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2023, cần xem xét, cân nhắc về chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu khác để có sự điều chỉnh, từ đó tập trung các chính sách phù hợp với chỉ tiêu đó.

Thứ hai, tiếp tục lấy lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp làm trụ đỡ cho nền kinh tế, tập trung đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

Thứ ba, để tăng GDP, Chính phủ cần phải tăng tổng cầu. Tại thời điểm này, cầu của nền kinh tế đã có cải thiện nhưng còn rất thấp. Việc tăng cầu có thể làm chỉ số CPI tăng, dẫn tới lạm pháp tăng.

Tuy nhiên, việc tăng lạm phát ở một mức độ phù hợp và trong ngắn hạn, trong kiểm soát là cần thiết. Để tăng tổng cầu thì cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, tăng chi tiêu nhà nước kết hợp với kích cầu tiêu dùng, dịch vụ và du lịch. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang từng bước được cải thiện, vốn đầu tư hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển, cũng như đầu tư công giai đoạn 2021-2025 những tháng cuối năm và năm sau sẽ tốt hơn do công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cơ bản đã hoàn thành; tháo gỡ khó khăn về nguyên vật liệu đang bắt đầu có hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp để tiếp tục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển đã phân bổ nhưng chưa giải ngân hết khi hết hạn vào 31-12-2023 cũng như xem xét, đánh giá về chính sách giảm 2% VAT để tránh ngắt quãng như vừa qua.

Thứ tư, bất cứ quốc gia nào, khu vực tư nhân luôn là động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là vai trò của khu vực tư nhân đối với tăng trưởng ở các nước đang phát triển rất lớn. Khu vực này tạo ra nhiều việc làm, tài trợ vốn cho các lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp thuế cho Chính phủ, cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, là nơi sản xuất hàng xuất khẩu rất lớn của nước ta.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như vấn đề nợ xấu nguy cơ từ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế tư nhân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này, khơi thông mạch nguồn để kinh tế tư nhân phục hồi và phát triển bền vững.

Thứ năm, Việt Nam có đội ngũ công chức cơ cấu khác với đa số các quốc gia trên thế giới: Chúng ta có công chức ở cơ quan Đảng, đoàn thể; công chức ở cơ quan hành chính nhà nước, công chức ở cơ quan dân cử; công chức ở cơ quan tư pháp… Hiện nay, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều bất cập và còn có yêu cầu công chức phải vận dụng sáng tạo luật để thực thi công vụ! Ranh giới vận dụng, sáng tạo và lách luật rất mong manh làm không ít công chức bất an.

Mặt khác, đời sống của cán bộ, công chức tiếp tục khó khăn, lương không đủ chi trả cuộc sống và không tương xứng với trách nhiệm cao, rủi ro lớn. Cần phải có giải pháp toàn diện cho vấn đề này, trong đó tiếp tục xử lý nghiêm công chức không làm hết sức, đùn đẩy, né tránh, phân loại các vi phạm của cán bộ, công chức thời gian qua để có hình thức xử lý phù hợp, có giải pháp tăng cường năng lực và đạo đức công vụ, không hình sự hóa quan hệ hành chính, quan hệ kinh tế và cần thực hiện ngay cải cách tiền lương. Chúng ta phải xác định cải cách tiền lương cũng là đầu tư cao tốc cần phải ưu tiên - “cao tốc cải cách tiền lương”.

Đến nay, ngoài nguồn để lại các năm vừa qua để cải cách tiền lương, chúng ta đã có nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2022 hơn 400 nghìn tỷ đủ để thực hiện cải cách tiền lương. Việc đầu tư cho con người mà là đầu tư cho đội ngũ vận hành bộ máy công quyền để phục vụ người dân và doanh nghiệp là hình thức đầu tư thông minh và hiệu quả bền vững, đáng “đồng tiền, bát gạo”.

Thứ sáu, rà soát và khẩn trương sửa đổi luật quản lý thuế và các luật thuế, luật ngân sách nhà nước, luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất, hiệu quả, cùng với đó cần có các giải pháp chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư FDI khi bị tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, nên coi mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội giao là một cái đích để phấn đấu và phương hướng để quyết tâm đạt được.

Tôi đồng tình với những giải pháp được cụ thể hóa bằng các nghị quyết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thời gian gần đây, đặc biệt là việc chuyển hướng về điều hành chính sách tiền tệ và chuyển hướng về điều hành chính sách vĩ mô, trong đó có chuyển hướng về điều hành chính sách tiền tệ sang trạng thái nới lỏng linh hoạt và hỗ trợ vốn thiết thực cho doanh nghiệp phục hồi.

Tôi mong rằng, Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp mạnh mẽ về cải cách thể chế, tháo gỡ những rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm các chi phí phát sinh từ các quy định, hỗ trợ trực tiếp khó khăn của doanh nghiệp, đáp ứng đúng mong đợi của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian này, không nên có những quy định làm tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí tài chính; giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Điều rất vui là liên tiếp mấy ngày gần đây Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã ban hành biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ về cải cách thể chế.

Mừng hơn nữa, các giải pháp trong đó đều nhằm mục tiêu hướng đến giải quyết các yêu cầu và thách thức cải cách thể chế như nêu trên. Đó là Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: VPQH

Tôi đánh giá rất cao các quyết sách này vì đây không chỉ là giải pháp mà có thể còn là "liều thuốc tinh thần" cho cộng đồng doanh nghiệp. Các quyết sách này của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có 3 điểm nhấn mạnh mẽ về cải cách thể chế nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ.

Trong khó khăn, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ dịch Covid-19.

Về lâu dài, cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thì sẽ không hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên. Từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vì vậy, tôi hy vọng các bộ, ngành sẽ thực thi quyết liệt các giải pháp được giao. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh một lần nữa là trong lúc này, không nên có thêm những quy định làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi cũng kỳ vọng rất lớn vào Tổ công tác của Thủ tướng để giúp các giải pháp đã có được thực thi nghiêm, thực thi nhanh, đầy đủ và có hiệu quả.

Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội giao là đích để phấn đấu và phương hướng để quyết tâm đạt được. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-theo-kich-ban-nao-ky-iii-ke-sach-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-tiep-theo-va-het-739749