Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức bủa vây: GDP vẫn tăng 6,5%?

Mặc dù kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, thế nhưng, nhiều đơn vị vẫn dự báo GDP Việt Nam trong năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6,5%.

Những thách thức của kinh tế Việt Nam

Sau thời gian dài đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, FDI, xuất nhập khẩu,... đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ thế giới, như cuộc chiến Nga - Ukraine, khiến giá thành nhiều mặt hàng nhiên liệu tăng cao, hay các tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt các chính sách tiền tệ.

Mặc dù kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, thế nhưng, nhiều đơn vị vẫn dự báo GDP Việt Nam trong năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6,5%.

Theo phân tích của UOB, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với 4 rủi ro chính, bao gồm xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đối với giá hàng hóa dẫn đến rủi ro lạm phát đối với nhu cầu trong và ngoài nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Cuối cùng là rủi ro liên quan tới COVID-19.

UOB cho rằng: Sau khi chạm mức thấp nhất trong gần một năm ở mức 1,4% vào tháng 2, lạm phát ở Việt Nam đã có xu hướng tăng lên 2,86% vào tháng 5, vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần làm tăng mức lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng với tốc độ hai con số trong 14 tháng qua.

Bên cạnh đó, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn.

Cũng theo UOB, VND không đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và lo ngại về sự suy thoái sâu hơn của Trung Quốc.

Tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,7% trong quý 2/2022 lên 23.215, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.

Được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát, xu hướng giảm của VND là khiêm tốn khi so sánh với Chỉ số các đồng tiền châu Á (ADXY) đã giảm hơn 4% trong quý.

GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm nay

UOB dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, phù hợp với kế hoạch của Chính Phủ là 6,0 - 6,5%. Dự báo dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP trong quý 2/2012 sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý 3/2022.

GDP thực tế của Việt Nam trong quý 1/2022 đã tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối mức tăng 5,22% trong quý 4/2021 nhờ lĩnh vực dịch vụ phục hồi sau khi nền kinh tế được mở cửa trở lại thông qua việc nới lỏng hạn chế về di chuyển và giãn cách.

Trong khi đó, trong báo cáo Dự báo Kinh tế Toàn cầu mới nhất của ICAEW và Oxford Economics nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia không bị ảnh hưởng đặc biệt bởi làn sóng biến thể Delta, và do đó không phải trải qua các đợt đóng cửa lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục khá nhanh so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Đơn vị này cũng dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm nay.

Ông Mark Billington, Giám đốc điều hành các thị trường quốc tế của ICAEW cho biết: Nhờ việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ quý 4/2021 cho đến quý 1 năm nay đã thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch nội địa, từ đó hỗ trợ cho lĩnh vực dịch vụ du lịch hồi phục đáng kể.

Tuy nhiên, trong giai đoạn mở cửa sau đại dịch hiện nay, ngành du lịch cần có sự chú trọng ở khu vực quốc tế, để thu hút khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong nay năm sẽ đẩy mạnh nhu cầu về xây dựng và nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục duy trì năng lực xuất khẩu tích cực.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-bua-vay-gdp-van-tang-65-post200842.html