Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Chưa sẵn sàng để hồi phục

(DĐDN) - Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 8/2013 - "Chưa sẵn sàng để hồi phục".

Những giải pháp lấp khoảng trống

Đã được hơn hai năm kể từ khi Việt Nam thông qua Nghị quyết 11 vào tháng 2/2011 và gần hai năm kể từ khi thông qua Quyết định 254 vào tháng 12/2011, với mục đích tạo ra một lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Công ty AMC được đưa vào hoạt động vào ngày 26/7/2013 nên được đánh giá là một cột mốc quan trọng, vì công ty này dự kiến sẽ giải quyết những vấn đề về thanh khoản của Việt Nam thông qua việc mua lại một nửa các khoản nợ xấu từ hệ thống tài chính. Nhưng tương tự như các cải cách khác đã được đưa ra kể từ sau Nghị quyết 11, công ty AMC chỉ mang tính tượng trưng khi hai yếu tố góp phần cho thành công của công ty này là sự nhận thức rõ về mức độ nợ xấu và nguồn vốn đủ lại chưa thực sự thể hiện một cách thỏa đáng.

Vốn điều lệ cho công ty AMC chỉ là 500 tỷ đồng, ít hơn 1% so với một nửa tổng số nợ xấu mà công ty này cần phải mua. Nhưng cơ bản hơn, sự chậm trễ thực thi Thông tư 02 từ ngày có hiệu lực ban đầu là 1/6/2013 cho đến ngày 1/6/2014 có nghĩa là công ty AMC sẽ không có đầy đủ thông tin để thực hiện công việc của mình. Thông tư dự kiến sẽ đưa ra những hướng dẫn chặt chẽ hơn về phân loại tài sản cũng như mức độ và phương thức trích lập dự phòng nợ xấu.

Khi các nhà hoạch định chính sách còn đang tranh luận về thời gian và tốc độ cải cách, nền kinh tế tiếp tục đi chậm hơn xu hướng. Nhu cầu trong nước thấp và từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức khiêm tốn 5% trong tháng 7. Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC giảm xuống dưới 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp với 48,5 điểm trong tháng 7 từ mức 46,4 điểm trong tháng 6. Nhu cầu từ các nước khác yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, làm sản lượng giảm sút. Sức tiêu thụ trong nước chậm chạp cũng không giúp được gì thêm. Doanh số bán lẻ tháng 7 chậm lại. Ngay trong lúc các điều kiện trong nước bị suy yếu do sức tiêu thụ thấp, nỗi lo sợ về lãi suất tăng cao ở Mỹ cũng đã làm suy yếu tiền đồng và giá xăng dầu cao hơn khiến giá cả tăng vọt.

Với diễn biến lạm phát có dấu hiệu tích cực tới cuối quý III/2013, Chính phủ có thể sẽ tăng giá các mặt hàng thiết yếu cho xã hội như giáo dục và sức khỏe, đặc biệt là khi nguồn thu ngân sách từ đầu năm tới nay không được tốt lắm.

Vì vậy, HSBC cho rằng dư địa để cắt giảm lãi suất thêm nữa đã bị thu hẹp. Trong lúc Chính phủ mới chỉ bắt đầu trong việc thực hiện một tiến trình cải cách đầy khó khăn thì vẫn còn khá nhiều việc cần phải được giải quyết. Thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đòi hỏi một hệ thống tài chính có tính kỷ luật cao.

Thiệt hại thêm

Các doanh nghiệp của Việt Nam và những người làm công ăn lương đang bước vào một thời kỳ khá khó khăn: các điều kiện chủ quan và khách quan đều trở nên căng thẳng hơn. Trong nước, công ăn việc làm yếu kém như thể hiện ở chỉ số PMI. Với sức mua yếu hơn, nhu cầu đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng sản xuất đã giảm sút. Chỉ số PMI của HSBC trong tháng 7 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, chủ yếu là do nhu cầu trong nước và nước ngoài yếu. Việc nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục trì trệ đã kéo chỉ số phụ đơn hàng xuất khẩu mới giảm thêm nữa. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm số lượng mua hàng và áp dụng các biện pháp giải phóng hàng tồn kho.

Trong khi nhu cầu toàn cầu có thể sẽ phục hồi trong quý IV/2013 do một số tác động từ chương trình cắt giảm chi tiêu tự động của Mỹ dự kiến sẽ kết thúc, các chính sách của Trung Quốc để đảm bảo một nền tảng tăng trưởng bắt đầu có tác dụng, và Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ chi tiêu tăng trước khi thuế giá trị gia tăng tăng và hiệu ứng tăng tài sản đến từ việc bơm thêm tiền gần đây… thì lộ trình để Việt Nam phục hồi dường như rất mong manh do những vấn đề thanh khoản trong nước.

Việt Nam dù đã đạt được một số tiến bộ để đảm bảo tăng trưởng bền vững hơn, HSBC tin rằng những công việc quan trọng vẫn còn cần được thực hiện. Việc trì hoãn Thông tư 02 cho đến tháng 6/2014 cũng như vốn điều lệ hạn chế của công ty AMC cho thấy nền kinh tế sẽ tiếp tục bị cản trở bởi hệ thống tài chính đang phải chịu gánh nặng nợ xấu đem lại. Về cơ bản, tốc độ cải cách đã đặt ra những câu hỏi liệu Chính phủ có sẵn sàng buông tay để các công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản - một quyết định cần thiết để đảm bảo rằng nền kinh tế đánh giá cao những hoạt động đầu tư hiệu quả. Trong khi điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng hết tiềm năng của mình và đạt được tốc độ tăng trưởng tốt trong những thập niên tới, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những khó khăn trong ngắn hạn đặc biệt là những thành quả không bền vững. Nhưng vì mọi người thường hay tránh né những tổn thất hơn là cố gắng để đạt thành quả (tâm lý sợ mất mát), Việt Nam sẽ phải cần rất nhiều thời gian để thực thi những cải cách cho nền kinh tế.

So với các nước đã bị đình trệ nếu không muốn nói là thụt lùi, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo từ 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 20,7% trong năm 2010 (theo nguồn của Ngân hàng Thế giới). Thành quả này có được là nhờ Việt Nam đã thông qua một chiến lược thúc đẩy sản lượng nông nghiệp cao hơn cũng như đẩy mạnh tăng trưởng nhờ vào hoạt động sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, dòng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 6,9 tỷ USD tăng 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư trực tiếp FDI ngành sản xuất có mức tăng ấn tượng 77,5% từ đầu năm đến nay, đạt 5,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sản xuất như hàng may mặc và dệt may, giày dép, và điện tử tăng tương ứng 16,6%, 16,1%, và 42% từ đầu năm tới nay (tháng 1 đến tháng 7). Thâm hụt thương mại tính đến nay chỉ ở mức 733 triệu USD, phản ánh nhu cầu trong nước yếu, giá cả hàng hóa toàn cầu thấp và xuất khẩu mặt hàng sản xuất phục hồi. Dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ bù đắp đầu tư công và tư nhân còn yếu để nâng mức dự đoán tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,1% trong năm 2013.

Dựa trên dự đoán của HSBC, GDP bình quân đầu người sẽ khó có thể vượt qua mức 2.000 USD vào cuối năm 2013. Nếu Việt Nam bỏ lỡ những cơ hội thì dân số đất nước sẽ bắt đầu rơi vào tình trạng dân số già ngay trước khi GDP bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD. Để quay lại tỷ lệ tăng trưởng 7% như trước đây, cần nhiều cải cách để tận dụng tiềm năng về nhân khẩu học, nguồn lực tự nhiên và địa lý.

Chính vì vậy, việc cần làm là Chính phủ thông qua các cải cách để thúc đẩy việc hình thành một hệ thống tài chính có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tăng trưởng.

H.Anh

Email Print

Việt Nam, Ngân hàng, hệ thống tài chính

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130805095739387cat220/kinh-te-vi-mo-viet-nam-chua-san-sang-de-hoi-phuc.htm