Kinh tế tư nhân: Kỳ vọng bứt phá và phát triển - Bài 3: Dấu ấn trong kiến thiết hạ tầng

Với ba đột phá chiến lược của đất nước: thể chế - hạ tầng - nhân lực, có thể nói dấu ấn kinh tế tư nhân in đậm trong đột phá hạ tầng của Việt Nam những năm gần đây. Đặc biệt, trong giai đoạn tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng 2 con số, tạo đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân trong kiến thiết hạ tầng càng có ý nghĩa quan trọng.

Đoạn đầu của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khớp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đoạn đầu của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khớp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tham gia "việc lớn" của đất nước

Cuộc gặp gỡ giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân dịp Xuân mới 2025 diễn ra đầu tháng 2/2025 như thổi một luồng sinh khí đầy tin tưởng và nhiệt huyết đối với doanh nghiệp tư nhân khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đề nghị các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các "việc lớn" của đất nước.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã hiến kế và đề xuất với Chính phủ về việc tham gia các dự án lớn của đất nước. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương mong muốn sản xuất toa tàu cho dự án đường sắt đô thị; Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ray và cung cấp thép chế tạo cho các dự án đường sắt. Cùng với đó, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cam kết xây dựng thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội, hướng đến mô hình trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Còn ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch điều hành Tập đoàn T&T Group chia sẻ về kế hoạch hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hàng không, bao gồm sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không...

Trước tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thảo luận, cam kết triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước. Riêng trong dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam - dự án chiến lược tạo tiền đề, động lực cho kỷ nguyên mới của phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần có cam kết cụ thể với các doanh nghiệp tư nhân như với Hòa Phát về cung cấp đường ray, với THACO về sản xuất toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường...

Sự vào cuộc đầy nhiệt huyết cho “việc lớn” của đất nước trong giai đoạn chuyển mình cho thấy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp đặc biệt của kinh tế tư nhân đối với phát triển hạ tầng. Nhìn lại cơ đồ đất nước, Việt Nam có không ít công trình hạ tầng đầu tư hiện đại mang dấu ấn khu vực tư nhân.

Có thể kế đến những công trình tiêu biểu như tại phía Bắc, Tập đoàn Sun Group ghi dấu ấn với công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên được xem là sân bay hiện đại nhất Việt Nam; trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái kết nối cùng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giúp tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông, tạo không gian phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; hay cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là dấu ấn của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành…

Tại khu vực miền Trung, trên tuyến Quốc lộ 1 hình ảnh của Tập đoàn Đèo Cả in đậm trong các công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Cổ Mã tại Phú Yên và Bình Định; hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng)... Ở phía Nam, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã ghi dấu ấn tại Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Các công trình kể trên đều được ví như hình mẫu về hạ tầng giao thông của cả nước do tư nhân đầu tư, được triển khai trong thời gian thần tốc và là những công trình hiện đại, đẳng cấp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đột phá của kinh tế - xã hội đất nước. Đó cũng là những ví dụ điển hình của chiến lược “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” với đầu ra là những dự án được triển khai nhanh, chất lượng, tối ưu nguồn lực.

Mở rộng cơ hội kiến thiết quốc gia

Theo Bộ Xây dựng, xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông là xu thế của nhiều quốc gia để vừa tận dụng kinh nghiệm, nền tảng tài chính của các doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả. Tại Việt Nam, hoạt động xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông bắt đầu được đẩy mạnh triển khai với các phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) từ năm 2011. Có thể thấy, khi có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân giàu tiềm lực, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đều được triển khai nhanh chóng, chất lượng và tối ưu chi phí.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, thời gian qua, khối tư nhân đã chứng minh năng lực trong việc phát triển dự án hạ tầng trọng điểm. Các công trình được triển khai nhanh, quyết liệt, đặc biệt không đội vốn, thể hiện tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho đất nước. Doanh nghiệp tư nhân có khả năng làm tốt những nhiệm vụ quan trọng để kiến thiết quốc gia. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi về vay vốn, cơ chế chính sách phù hợp yêu cầu phát triển chung, hài hòa của cả đất nước, doanh nghiệp và người dân.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế thì vai trò của kinh tế tư nhân là rất quan trọng trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn về thủ tục, thậm chí ảnh hưởng tới tiến độ dự án, nguồn vốn đầu tư… Vì thế, điều cần thiết để khơi thông nguồn lực này là phải tạo một môi trường với hành lang pháp lý đủ rộng, cơ chế chính sách nhất quán để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.

Bộ Xây dựng dự kiến, từ nay đến năm 2030, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn. Chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt cao tốc thì cần hơn 2 triệu tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước dự kiến hơn 1 triệu tỷ đồng, hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nếu tính cả đường sắt cao tốc và dự án đường tiêu chuẩn thì cần khoảng thêm 3 triệu tỷ đồng nữa. Riêng đường sắt tốc độ cao đã cần hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Do đó, cần nguồn xã hội hóa rất lớn. Vì vậy nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân là một trong những cánh cửa hy vọng mở ra nền tảng phát triển nhanh, mạnh của giao thông trong giai đoạn tới.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số một Việt Nam đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với sự đầu tư lớn vào sản xuất, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao, góp phần thay thế hàng nhập khẩu.

“Với năng lực hiện có, Hòa Phát tự tin đủ khả năng nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới”, ông Trần Đình Long cho biết.

Được biết, các đối tác cung cấp thiết bị công nghệ cho Hòa Phát như Danieli, SMS… đều nắm vị trí hàng đầu thế giới trong việc sản xuất thép đường ray ở châu Âu, châu Á. Bên cạnh đó, để có những bước chuẩn bị vững chắc cho việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu...

Với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, THACO cũng sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch hội đồng quản trị THACO khẳng định, với đội ngũ kỹ sư và kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm, THACO sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành. Đồng thời, THACO cũng đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất…

Có thể thấy, với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân giàu tiềm lực, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đều được triển khai nhanh chóng, chất lượng và tối ưu chi phí, loại trừ được những vấn đề tồn tại trong đầu tư hạ tầng như cơ chế xin - cho, chậm tiến độ, đội vốn… Xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông vừa là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới để tận dụng kinh nghiệm, nền tảng tài chính của các doanh nghiệp, vừa thể hiện tính thần, trách nhiệm và lòng tự tôn dân tộc của các doanh nghiệp tư nhân trước cánh cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài cuối: Những tiếng nói kỳ vọng

Phạm Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-ky-vong-but-pha-va-phat-trien-bai-3-dau-an-trong-kien-thiet-ha-tang-20250331191331372.htm