Kịch bản đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của THACO
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất tham gia đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng vốn hơn 67 tỷ USD, thực hiện trong 7 năm.
Doanh nghiệp tư nhân tham gia kiến thiết hạ tầng quốc gia
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho hay, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đã khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào lĩnh vực chiến lược, các dự án quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn…).
Sự thay đổi, đột phá về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã nâng tầm đưa các doanh nghiệp tư nhân bước vào cuộc chuyển đổi xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương tại Hội nghị làm việc với Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng 21/9/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau khi nghiên cứu các cơ chế, chính sách, THACO đã quyết định đề xuất đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.
Theo đó, THACO sẽ tiến hành lập dự án đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư số 61/2020/QH14 bằng nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
THACO đề xuất chia dự án thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 hoàn thành trong 5 năm, triển khai hai phân đoạn: TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang và Hà Nội - Hà Tĩnh. Đây là hai đoạn có nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa lớn.
Giai đoạn 2, thực hiện trong 2 năm tiếp theo, gồm đoạn Hà Tĩnh - Nha Trang, do địa hình đèo dốc, phức tạp cần thêm thời gian nghiên cứu.
Theo THACO, phân kỳ giúp các doanh nghiệp trong nước có thời gian tiếp cận, liên kết, nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào quá trình xây dựng, sản xuất, lắp đặt và vận hành tuyến đường sắt đạt hiệu quả cao.
Trong đề xuất của mình doanh nghiệp cho hay, sẽ áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm tính hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế trên nguyên tắc: THACO cùng với các doanh nghiệp trong nước hợp tác để nhận chuyển giao công nghệ một cách hợp lý từ các đối tác có kinh nghiệm hàng đầu thế giới tại châu Âu (Đức, Pháp,…); châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc,…).
Đồng thời tổ chức đào tạo nhân sự tiến đến làm chủ công nghệ trong xây dựng hạ tầng; sản xuất đầu máy, toa xe; hệ thống tín hiệu, điều khiển; quản lý, vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao nhằm chủ động hình thành ngành công nghiệp đường sắt và thông qua dự án này phát triển các ngành công nghiệp nền tảng cho đất nước như: công nghiệp nặng (luyện kim, cơ khí); công nghiệp số,...

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đánh giá là khâu đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - Ảnh minh họa
Đề xuất chính sách đất đai, thuế, ưu đãi đầu tư
THACO cũng đề xuất đầu tư Dự án với tổng vốn đầu tư là khoảng 1.562.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 61,35 tỷ USD.
Trong đó, hạng mục giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập do Nhà nước thực hiện và không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.
Về cơ cấu vốn, 20% đầu tư trực tiếp (khoảng 12,27 tỷ USD) là vốn tự có của doanh nghiệp, gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp khác thông qua phát hành cổ phần.
80% (khoảng 49,08 tỷ USD) tổng vốn đầu tư là vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, có Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ lãi vay trong vòng 30 năm.
THACO cho biết, hiện doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu đạt 57.861 tỷ đồng (quý I/2025). Cơ cấu cổ đông gồm ông Trần Bá Dương và gia đình sở hữu 72% vốn, Tập đoàn Jardine Matheson (Anh Quốc) sở hữu 26,6%, còn lại 1,4% thuộc cán bộ, nhân viên.
"Chúng tôi cam kết sẽ giữ cổ phần chi phối trong công ty thực hiện dự án và không chuyển nhượng dự án, vốn góp hay cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài", văn bản nêu rõ.
Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 172/2024/QH15 và Luật Đường sắt 2017. Cụ thể, Nhà nước tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Ưu tiên giao quỹ đất để phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development); Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị chưa sản xuất trong nước; Hưởng các cơ chế ưu đãi đặc thù, đặc biệt, và các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định pháp luật hiện hành.

THACO INDUSTRIES nhận chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại - Ảnh: THACO
Cam kết nội địa hóa và phát triển công nghiệp đường sắt
THACO khẳng định sẽ làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị dự án, từ đầu tư, xây dựng đến vận hành và khai thác. Tập đoàn cam kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực luyện kim, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp số… nhằm hình thành ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.
Các thành viên của THACO như: THACO INDUSTRIES sẽ đảm nhiệm nghiên cứu, sản xuất đầu máy, toa xe, linh kiện; THADICO - Đại Quang Minh triển khai hạ tầng, quản lý vận hành; THISO phát triển hệ thống hạ tầng xã hội: Thương mại, y tế, giáo dục quanh các ga theo mô hình TOD.
"Chúng tôi cũng cam kết phát triển các mô hình dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD một cách mẫu mực với mức giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt cho đại bộ phận người dân Việt Nam.