Khua mái chèo xuân
Từ một đứa con nít cản bố chuyện đi bước nữa, Hạ đã dần lớn lên, hiểu chuyện đời, sống bao dung và tình cảm. Cô không còn thù ghét người đàn bà ấy...
Lần nào về nhà, Hạ cũng thấy bố lom khom đâu đó trong vườn, khi bẻ mấy cành khô, ngắt đám rau muống bò lan từ vườn ra sân. Hơn chục cái đồng hồ treo khắp nhà thi nhau tích tắc. Hạ bảo:
- Bố bán hay tặng bớt đồng hồ đi. Lần nào về nhà con cũng thấy kim giờ, kim phút quay loạn hết cả đầu óc. Nhà mình bé tí mà hơn chục cái đồng hồ khiến bố con mình phải sống nhanh hơn người khác cả chục lần đấy.
- Lại chả nhanh hơn à?
Bố nói thế rồi xuống bếp với cái rổ tre ra vườn. Bố lúi húi bên đám rau tốt um mọc tràn cả lên sân giếng.
Từ ngày mẹ mất, nhà cửa vẫn không có gì thay đổi. Người làng đã dùng nước máy rồi mà nhà Hạ vẫn hứng nước mưa để ăn. Cái bể cũ kỹ, phủ đầy rêu. Mùa đông mưa bụi, sáng sớm thức dậy, lớp rêu bám quanh bể nước và tường gạch xanh óng lên.
Hạ lớn lên trên vai bố. Ngày Hạ trở thành con gái, bố ngượng ngùng đi mua vải màn. Hạ đã giặt sạch vải màn ở sân giếng, bố vẫn đợi buổi tối vắng người mang ra ngoài cầu Bến giũ thật kỹ rồi đem về nhà tráng thêm vài gáo nước mưa mới phơi.
Có lần, Hạ soi đèn ra cầu Bến tìm bố, thấy dáng người đàn bà quen thuộc trong xóm lúi húi cùng bố giặt giũ. Hạ giằng lấy chậu đồ, ném hết xuống sông. Cứ thế Hạ chạy về nhà, bố lầm lũi theo sau, hai cánh tay rũ xuống như đeo cả ngàn viên đá tảng.
Cô Thôn đã rời làng sau đêm ấy, mười mấy năm trôi qua, cô chỉ về thăm làng chốc lát.
Lưng bố cứ rạp dần xuống dù ông không bị còng. Nền nhà ngổn ngang mạt tre. Những chiếc lồng chim được làm tỉ mỉ công phu. Từng thanh tre nhẵn bóng.
Nhiều khi, Hạ có cảm giác bố lặng lẽ hóa đá, hóa tượng, hai đầu gối dài quá tai. Có khi ông tì cằm lên gối cứ thế mà vuốt, mà uốn. Khách đến nhà khi thì đặt lồng chim, khi thì đem theo chiếc đồng hồ, cái quạt hỏng. Có người sửa xong đến lấy nhưng cũng có người bảo ông giữ lại muốn làm gì thì làm. Thành ra quạt được bọc ni lông xếp kín một góc nhà. Đồng hồ treo kín cả tường phát ra âm thanh giục giã.
Mới đó mà đã hết năm, nhà càng ít người, thời gian càng trôi nhanh hơn thì phải. Có những đêm nằm trong buồng, tiếng đồng hồ như xoáy vào tâm can. Tiếng ếch nhái rộ lên hay là mưa, mưa rào, mưa thật to, xối ầm ào lên mái ngói, xối lên cây lá ngoài vườn, át đi tiếng kim giờ, kim phút thì Hạ mới ngủ được.
Có những đêm, khi bố đã ngáy đều đều, Hạ mở cửa buồng, khẽ lách người ra vườn, ngồi ở bậc xi măng nơi bể nước. Trong ánh sáng mờ mờ của những đêm trăng sáng, Hạ bấu víu từng chút kỷ niệm của mẹ. Hạ lần giở từng thứ một như đứa trẻ nghèo đếm lì xì. Đấy là nụ cười của mẹ khi nhổ được một bụi sắn nặng trĩu, là tiếng mẹ gọi vóng lên: “Hạ ơi, ra mẹ cho cái này”.
Bao nhiêu năm đã qua, năm nào những ngày áp Tết cũng là những ngày ủ ê nhất. Hạ nhớ mẹ...
Sáng 30 Tết, Hạ xách làn đi chợ, trong sương sớm mắt cô nhòe đi.
Chợ Tết đông vui. Người già móm mém bên hàng áo mới. Những đứa trẻ níu áo mẹ đòi quà. Đám thược dược, hoa hồng đỏ, violet cứ tươi ánh lên giữa trời rét ngọt. Nhà có hai bố con, ăn uống chẳng đáng là bao nên Hạ chẳng mua gì nhiều. Gặp người quen giữa chợ, người níu lại hỏi thăm, người bông lơn “bao giờ thì lấy vợ cho bố có bầu có bạn?”.
Mấy năm nay kinh tế khó khăn, khách đặt tour du lịch Tết ít hơn trước. Mới đầu tháng chạp Hạ đã về nhà. Cô lấy cuốc xới lại mảnh vườn, mua ít cây giống trồng rau cho khuây khỏa. Xong xuôi cô lại tháo những tờ lịch cũ đã ố hết cả ngày, tháng, năm xuống. Nhìn vào nhà, góc nào cũng thấy đồ đạc hỏng, bỏ đi thì tiếc mà giữ lại chẳng biết dùng vào việc gì. Hạ động đến món nào bố cũng giữ: “Để đấy cho bố”. Đến khi đồ đạc được quấn túm đem ra sân đến mấy bao tải, bố mới thở dài: “Thôi cũng đành, mà sao lắm thế nhỉ”.
- Bố xem cho ai bớt đồng hồ và quạt đi. Con khó ngủ lắm, đồng hồ cứ biểu tình cả đêm.
- Để đấy cho có tiếng. Đêm im phăng phắc, đài nói đến 11 giờ là hết chương trình...
Ra thế, bao nhiêu năm nay, từ ngày Hạ đi xa, đêm nào bố cũng mở đài ngủ cho có tiếng người. Đài tắt lại nghe tiếng thời gian đi cho dễ ngủ. Nhìn cả dàn đồng hồ quay tích tắc, lạch xạch trên tường mắt Hạ hoa đi. Cô vịn ghế ngồi xuống. Nắng mùa đông hắt vào những tia yếu ớt.
Hạ cuộn đôi chiếu mang ra cầu Bến. Ở đấy người đân trong xóm đã đóng góp xây một cái bến nước bằng bê tông kiên cố.
Mùa đông, gió và hơi nước thổi lên lạnh buốt nhưng lúc nào nơi đây cũng xôn xao. Người lấy bùn về gieo mạ chuẩn bị cho vụ chiêm xuân. Người gánh củ sắn dây ra rửa trước khi đem xay làm bột... Người làng hay trêu nhau cầu Bến là cơ quan thông tấn xã, từ chuyện trồng cây nào, nuôi con gì đến chuyện ông Trump vừa đắc cử đều được đem ra bàn. Bây giờ mỗi lần gặp Hạ, người làng không hỏi bao giờ thì hỏi vợ cho bố nữa, ai dám rước một ông già. Người ta hỏi Hạ bao giờ lấy chồng, lấy chồng còn đẻ cho ông ngoại một đàn cháu mà quấn túm.
Hạ trả lời:
- Ngày mai cháu lấy chồng, ngày kia cháu đẻ ngay một lứa.
Thế là tiếng cười rộ lên, nhưng còn chưa dứt chuyện thì con bé Hoa hớt hơ hớt hải chạy đến, nó vừa thở vừa nói như khóc:
- Các ông các bà ơi, bà con bị ngã rồi, ngay chỗ sân rêu, đau lắm.
Hạ ngừng tay, đỉnh đầu cô như có điện giật, bỏ lại đôi chiếu Hạ vụt chạy trước cả con bé, ngang qua sân nhà mình cô gọi bố:
- Bố ơi, cô Thôn bị ngã ngoài sân.
Ông cũng giật mình, buông cái lồng chim dang dở, một thoáng chần chừ, Hạ giật giọng:
- Ngã đau lắm bố ơi.
Thế rồi Hạ chạy trước, ông líu ríu theo sau, con bé Hoa đã chạy đến bên bà nội, hai bố con hai bên dìu bà Thôn ngồi lên thềm nhà, cái chân trái dường như không cử động được nữa. Phải đi bệnh viện thôi.
Hạ gọi người chạy xe dịch vụ trong xóm, dúi vào túi bố một ít tiền rồi ở lại. Cái sân xi măng vắng người quét tước, gặp mưa phùn nên rêu đã mọc xanh, trơn nuỗn. Hạ tìm cái bàn chải sắt rắc lên một lớp vôi bột rồi ngồi cọ hết cả khoảng sân rộng suốt mấy tiếng đồng hồ. Người làng biết chuyện tới hỏi thăm đều giật mình:
- Ô, con Hạ đấy à, sân trơn quá nhỉ?
Hạ vừa làm vừa chờ đợi. Hạ đã chải đến đám rêu cuối cùng trong sân, trên tường cũng có rêu phủ đây này, lại cả bậc thềm nơi bể nước, rồi còn cái sân giếng nữa, nếu bố và cô ấy chưa về Hạ sẽ chải hết.
Nếu không chải rêu, Hạ biết vịn cớ gì mà ở lại nhà cô, năm đó chính Hạ đã hất văng đi cái chậu vải trắng tinh, mấy lần cô Thôn ngỏ lời bao giờ Hạ lấy chồng cô sẽ sang đun nước. Khi ấy Hạ còn hét lên:
- Cháu ở với bố cháu, cháu không lấy chồng.
Bây giờ, Hạ đủ lớn để thương cô Thôn theo cách của một người đàn bà, đủ để biết sau mỗi chuyến đi của mình căn nhà chỉ còn bố và khoảng trống mênh mông.
Trời rét lắm, nắng đấy nhưng vẫn rét, rét thế này, cô Thôn ngã như thế thì đau đến thấu xương, đôi tay Hạ cũng bắt đầu đỏ ửng lên nhưng cô không thấy rét, cũng không thấy mỏi.
Chiều muộn thì bố và cô Thôn cũng về đến, cái chân trái không phải bó bột nhưng hẳn là rất đau, cô Thôn gần như dựa hẳn vào người bố. Cô ngượng ngùng nói, nhà chẳng có người, thằng Dũng thì đi làm xa chỉ có ngày Tết và ngày giỗ bố thì nó mới có mặt ở nhà, may mà có con bé Hoa chạy đi chạy lại.
Hạ xuống bếp bắc lên nồi cháo, tay vân vê tà áo rồi định về nhà. Cô Thôn nhẹ giọng:
- Ở lại ăn với cô, cháo nhiều thế này.
Bố Hạ bật điện, bóng điện yếu ớt tỏa quầng sáng đỏ quạch, Hạ nói:
- Mai bố sửa bóng điện cho cô nhé, con sẽ cầm sang một cái đồng hồ.
Cô Thôn nói lảng đi.
- Sân nhà trơn quá, may mà không gãy chân, ra giêng cô lại đi chèo thuyền trồng sen được rồi.
Hạ viện cớ về nhà trước bố. Trời tháng chạp tối sớm, người làng đã treo đèn trang trí nhấp nháy từ trước lễ Giáng sinh.
Gió từ đầm nước thổi lên lạnh buốt. Hạ vào nhà, những chiếc đồng hồ lại rộ lên tích tắc. Cô bắc ghế, tháo hết pin từng chiếc rồi đi nằm. Hạ tắt điện sớm, lát nữa bố có về cô cũng giả ngủ say, ngày mai bố có mắng thì cô cũng chịu.
Gió thổi ràn rạt vào cửa sổ sát giường Hạ nằm. Cô biết ngoài vườn trong mỗi cành lá khẳng khiu kia mỗi mắt lá đang giữ một mầm xanh. Gian nhà lặng thinh, Hạ chìm vào giấc ngủ, cô thấy ngực mình nhẹ bẫng và xa từ đâu chờn vờn trong giấc ngủ cô thấy mình đang khua mái chèo đi dặm lại những gốc sen.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khua-mai-cheo-xuan-403729.html